Phí bảo hiểm công trình xây dựng được quy định thế nào?

PV.

Bộ Tài chính trả lời câu hỏi của độc giả về việc xác định công trình xây dựng thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và quy định phí bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đó, các công trình xây dựng thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, được quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ. Cụ thể:
Trừ các công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình sau:
Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/ 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);
Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);
Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp công trình xây dựng thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, thì theo Khoản 1, Điều 15 Thông tư số 329/2016/TT-BTC quy định phí bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm như sau:

Phí bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng được xác định theo Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới 700 tỷ đồng, không bao gồm phần công việc lắp đặt hoặc có bao gồm phần công việc lắp đặt nhưng chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt thấp hơn 50% tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Phí bảo hiểm được xác định theo Điểm 1, Khoản I Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

Thứ hai, đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới 700 tỷ đồng, có bao gồm công việc lắp đặt và chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt chiếm từ 50% trở lên tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Phí bảo hiểm được xác định theo Điểm l, Khoản II Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

Thứ ba, đối với các công trình xây dựng chưa được quy định tại Điểm 1, Khoản I và Điểm 1, khoản II Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc công trình xây dựng có giá trị từ 700 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm và mức khấu trừ trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận nhận tái bảo hiểm theo đúng quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm và mức khấu trừ mà doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cho bên mua bảo hiểm.

Doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài phải được xếp hạng tối thiểu “BBB” theo Standard & Poor’s, “B++” theo A.M.Best hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác trong năm tài chính gần nhất năm nhận tái bảo hiểm".