Quy định về đầu tư, xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho cơ quan thi hành án


Cử tri tỉnh Hòa Bình đề nghị quan tâm đầu tư, xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc, phương tiện, kho tang vật cho các cơ quan thi hành án dân sự để bảo đảm tiếp nhận, bảo quản và xử lý tang tài vật đúng quy định.

Kinh phí NSNN đã bố trí đối với Bộ Tư pháp cơ bản đã đảm bảo cho các hoạt động của Ngành.
Kinh phí NSNN đã bố trí đối với Bộ Tư pháp cơ bản đã đảm bảo cho các hoạt động của Ngành.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có văn bản số 2205/BTC-HCSN ngày 28/2/2020 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình, cụ thể:

Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc và trang bị xe ô tô chuyên dùng, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã có công văn số 12466/BTC-QLCS ngày 18/10/2019 về việc thỏa thuận diện tích chuyên dùng thuộc trụ sở làm việc của cơ quan thi hành án dân sự và công văn số 13328/BTC-QLCS ngày 05/11/2019 về tiêu chuẩn, định mức trang bị xe ô tô chuyên dùng của Bộ Tư pháp. Đối với tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị: Thực hiện theo Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị.

Đối với việc đầu tư, xây dựng trụ sở, kho tang vật cho các cơ quan thi hành án dân sự, Bộ Tài chính cho biết, theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Tư pháp được ngân sách trung ương bố trí 1.131.022 triệu đồng để đầu tư 91 dự án xây dựng mới, cải tạo, mở rộng trụ sở và kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, trong đó:

Thứ nhất, bố trí cho kho tàng là 120.948 triệu đồng để thực hiện 28 kho chuyển tiếp và khởi công mới 28 kho.

Thứ hai, bố trí xây dựng trụ sở của cơ quan thi hành án là 1.010.074 triệu đồng, trong đó mở mới 91 dự án.

Về đảm bảo kinh phí hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự:

Thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ưu tiên các cơ quan tư pháp, bao gồm cơ quan thi hành án dân sự được áp dụng định mức phân bổ cao hơn so với các cơ quan trung ương khác, cụ thể tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 đã quy định định mức ưu tiên cao nhất đối với khối các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan thi hành án dân sự (định mức 55 triệu đồng/biên chế). Đồng thời, ngân sách nhà nước tiếp tục bố trí các khoản chi đặc thù ngoài định mức theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg để tập trung giải quyết những yêu cầu đặc thù của ngành, như:

Thứ nhất, kinh phí đối với các nhiệm vụ: Kinh phí thừa phát lại; kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án dân sự (phần đương sự chịu); kinh phí cưỡng chế thi hành án (phần ngân sách nhà nước chi trả), kinh phí tiêu hủy tang vật, kinh phí thuê kho, kinh phí bảo quản vật chứng, trang phục cán bộ công chức theo quy định...

Thứ hai, về tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc: Hàng năm ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí thuê trụ sở, kinh phí bảo trì trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Giai đoạn 2016-2020 bố trí kinh phí thực hiện Đề án “Đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 11/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ là 509.637 triệu đồng.

Ngoài ra, hàng năm cơ quan thi hành án dân sự còn được để lại một phần phí thi hành án dân sự thu được để trang trải phục vụ công việc, dịch vụ, thu phí.

Theo báo cáo đánh giá dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và dự toán năm 2020 của Bộ Tư pháp, thì kinh phí ngân sách nhà nước đã bố trí đối với Bộ Tư pháp cơ bản đã đảm bảo cho các hoạt động của Ngành.