Quy định về trích và sử dụng nguồn cải cách tiền lương

Theo Chinhphu.vn

Đơn vị của ông Hoàng Mai Dũng (Hà Nội) tự chủ toàn phần chi thường xuyên, thực hiện nhiệm vụ thu phí tham quan di tích lịch sử văn hoá. Ông Dũng hỏi, đơn vị ông có bắt buộc thực hiện trích 40% số thu phí được để lại để thực hiện nguồn cải cách tiền lương không hay chỉ thực hiện khi có sự điều chỉnh tiền lương cơ sở?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Trong những năm gần đây, việc điều chỉnh tiền lương cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương được thực hiện thường xuyên hàng năm và thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính ban hành hàng năm.

Việc trích và sử dụng nguồn cải cách tiền lương đối với đơn vị tự chủ toàn phần chi thường xuyên, đề nghị thực hiện theo quy định tại Thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương hàng năm (Thông tư số 67/2017/TT-BTC ngày 30/6/2017 của Bộ Tài chính đối với năm 2017). Theo đó, về nguyên tắc đơn vị phải sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (ngành y tế tối thiểu 35%) để thực hiện cải cách tiền lương.

Trường hợp thiếu đơn vị phải tự sắp xếp, bố trí từ các nguồn thu của đơn vị theo quy định và dự toán chi ngân sách Nhà nước được giao để thực hiện.

Trường hợp còn dư lớn và có cam kết tự thu xếp trong nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện điều chỉnh tiền lương tăng thêm theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định, thì được sử dụng nguồn còn dư để mua sắm, hoạt động chuyên môn, thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định hiện hành.

Đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên, được quyết định tỷ lệ nguồn thu năm 2017 phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự đảm bảo tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, bao gồm cả nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2016 chưa sử dụng (nếu có).