Tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu áp dụng thuế GTGT thế nào?

PV.

Một số vướng mắc về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản của Công ty Cổ phần Tân Hà Kiều vừa được Tổng cục Thuế hướng dẫn cụ thể tại Công văn số 4307/TCT-CS.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 ngày 19/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT quy định tại các khoản 1, 9 và 23 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau: Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên…

Tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định như sau: Khoản 11 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau: Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên.

Tài nguyên, khoáng sản quy định tại khoản này là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên; khí than.

Trị giá tài nguyên, khoáng sản là giá vốn tài nguyên, khoáng sản đưa vào chế biến; đối với tài nguyên, khoáng sản trực tiếp khai thác là chi phí trực tiếp, gián tiếp khai thác ra tài nguyên khoáng sản; đối với tài nguyên, khoáng sản mua để chế biến là giá thực tế mua cộng chi phí đưa tài nguyên, khoáng sản vào chế biến.

Chi phí năng lượng gồm: Nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng. Việc xác định trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng căn cứ vào quyết toán năm trước; trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa có báo cáo quyết toán năm trước thì căn cứ vào phương án đầu tư. Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này.

Theo trình bày của Cục Thuế tỉnh Hải Dương, căn cứ hồ sơ đơn vị cung cấp, ngày 27/4/2017 của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương có Công văn số 548/SCT-QLCN xác nhận cụ thể như sau:

- Sản phẩm Cacbua Silic (Sic) của Công ty Cổ phần Tân Hà Kiều sau khi sản xuất là sản phẩm khác so với nguyên liệu đầu vào là than, cát thạch anh về tính chất lý, hóa cũng như ứng dụng trong sản xuất công nghiệp.

- Trong quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm Cacbua Silic (Sic) của Công ty Cổ phần Tân Hà Kiều: Than được dùng trong quy trình sản xuất là nguyên liệu đầu vào để tách thành phần cacbon, kết hợp với Silic từ cát thạch anh để tạo ra sản phẩm đầu ra là Cacbua Silic, than trong quy trình công nghệ không được dùng để thu hồi và sử dụng năng lượng như là nhiên liệu phục vụ sản xuất.

Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, Tổng cục Thuế thống nhất với ý kiến xử lý của Cục Thuế tỉnh Hải Dương tại Công văn số 4211/CT-TTHT ngày 9/8/2017 như sau: Trường hợp, sản phẩm Cacbua Silic (Sic) xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tân Hà Kiều được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định là tài nguyên khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác hoặc là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản thì thuộc đối tượng tính tỷ lệ % tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm.

Theo quy trình sản xuất sản phẩm Cacbua Silic, Công ty Cổ phần Tân Hà Kiều nhập khẩu than (than không khói, than cốc dầu) để làm nguyên liệu sản xuất (than không được dùng để thu hồi và sử dụng năng lượng như là nhiên liệu phục vụ sản xuất) thì than nhập khẩu không thuộc đối tượng phải tính trị giá tài nguyên, khoáng sản.