Thanh lý và tiêu hủy tài sản không còn sử dụng được của doanh nghiệp chế xuất?

Nghi Kiều

(Tài chính) Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 6038/TCHQ-GSQL ngày 30/10/2012 trả lời Công văn số 07-300127/TCHQ ngày 30/07/2012 của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam về vướng mắc trong việc thanh lý và tiêu hủy tài sản không còn sử dụng.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: Báo Hải quan
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: Báo Hải quan

1. Về việc thanh lý và tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu để phục vụ tiêu dùng (NCX03) và để phục vụ mục đích khác (NCX04) của Công ty:

a) Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan của Tổng cục hiệu chình hệ thống thông quan điện tử áp dụng cho Công ty để thủ tục khai báo thanh lý và tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu phục vụ tiêu dùng (NCX03) và phục vụ mục đích khác (NCX04) của Công ty thực hiện được trên hệ thống.

Trong khi chưa hiệu chỉnh được hệ thống thông quan điện tử để đáp ứng Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính. Tại khoản 5 Điều 45 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 hướng dẫn khai hàng thanh lý "thuộc tờ khai nhập khẩu số, ngày, tháng, năm" khi thanh lý hàng hóa nêu trên, Công ty có văn bản khai rõ lý do thanh lý; tên, ký mã hiệu, lượng hàng cần thanh lý gửi Chi cục Hải quan làm thủ tục hải quan cho Công ty; không yêu cầu khai tờ khai hải quan nhập khẩu trước đó.

b) Phế liệu thu được từ việc tiêu hủy hàng hóa thanh lý nêu trên bán vào thị trường nội địa phải tuân thủ các quy định về chính sách mặt hàng, chính sách thuế đối với phế liệu nhập khẩu.

Về thủ tục hải quan:

- Nếu làm thủ tục hải quan theo hải quan điện tử thì thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 55 Thông tư số 222/2009/TT-BTC ngày 25/11/2009 của Bộ Tài chính;

- Nếu làm thủ tục hải quan theo phương pháp truyền thống thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c Điều 45 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.

2. Đối với tài sản (không dính thành phần nguy hại) cần thanh lý theo hình thức tiêu hủy nhưng không thể tiến hành tiêu hủy tại trụ sở Công ty do không có phương tiện máy móc phù hợp nên phải thuê doanh nghiệp khác đưa vào nội địa để tiêu hủy:

- Đề nghị Công ty xác định rõ tài sản tiêu hủy là phế liệu hay phế thải.

- Để việc hướng dẫn của Tổng cục Hải quan phù hợp với thực tế, đề nghị Công ty liên hệ với doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu hủy tài sản của Công ty bố trí cho cơ quan Hải quan khảo sát quy trình vận chuyển, tiêu hủy của công ty này. Thời gian khảo sát do Công ty ấn định và thông báo trước cho Tổng cục Hải quan biết.

3. Đối với đề  nghị không phải xuất trình văn bản cho phép tiêu hủy của Sở Tài nguyên và Môi trường cho từng lần tiêu hủy tài sản (không dính thành phần nguy hại) khi tiến hành tiêu hủy tại nhà máy:

Việc cho phép tiêu hủy hàng hóa tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của cơ quan môi trường. Nếu Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản cho phép tiến hành tiêu hủy áp dụng cho nhiều lần tiêu hủy, trong đó nêu rõ tên hàng hóa tiêu hủy, văn bản áp dụng cho các lần tiêu hủy trong thời hạn hiệu lực của văn bản và nêu rõ thời hạn hiệu lực của văn bản thì khi tiến hành tiêu hủy hàng hóa có trong văn bản cho phép và thời điểm tiêu hủy trong thời gian hiệu lực của văn bản này, Công ty không phải xuất trình văn bản cho phép tiêu hủy hàng hóa từng lần của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Công văn số 3826/TNMT-CTR dẫn trên Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ hướng dẫn điều kiện để được tự xử lý tiêu hủy các loại phụ tùng, dụng cụ, thiết bị dính thành phần nguy hại, không phải công văn cho phép tiêu hủy phế liệu, chất thải thông thường áp dụng để tiêu hủy mhiều lần nên không thể thay thế được văn bản cho phép tiêu hủy từng lần của Sở Tài nguyên và Môi trường khi tiêu hủy tài sản không dính thành phần nguy hại.