Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước

PV. (Tổng hợp)

Cử tri tỉnh Hưng Yên và TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt như xăng dầu, điện, nước,... nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Bộ Tài chính đã trả lời kiến nghị này tại Công văn số 430/BTC-QLG ngày 11/01/2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công văn số 430/BTC-QLG 11/01/2017 nêu rõ, hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, giá cả của đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường đều được hình thành theo cơ chế thị trường. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá theo quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả thị trường thông qua các biện pháp kinh tế vĩ mô như xây dựng và ban hành các chính sách phát triển sản xuất, điều hoà cung - cầu; chính sách tài khoá, tiền tệ....;

Đồng thời, Nhà nước cũng thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng các biện pháp đăng ký giá khi bình ổn giá; kê khai giá khi doanh nghiệp định giá, điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; quy định về niêm yết giá và không được bán cao hơn giá niêm yết đối với tất cả các hàng hóa dịch vụ hoặc thực hiện điều tiết cung cầu thông qua mua vào bán ra hàng dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông, triển khai chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đối với một số mặt hàng thiết yếu.

Đối với các hàng hóa và dịch vụ thuộc diện Nhà nước đang quản lý hoặc kiểm soát như xăng dầu, điện, nước sạch..., giá cả cũng được quản lý và điều hành theo nguyên tắc giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Thực hiện công khai thông tin về giá theo quy định tại Luật Giá.

Đối với công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá năm 2016:        

Trong năm 2016, để bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát nói chung, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Đồng thời, ban hành một số văn bản chỉ đạo, điều hành giá như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá trong dịp Tết, Nghị quyết các phiên họp Chính phủ thường kỳ; Thông báo ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá...

Căn cứ vào đó và pháp luật hiện hành về quản lý giá, Bộ Tài chính với chức năng là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giá chung trên phạm vi cả nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý, điều hành và bình ổn thị trường giá cả theo quy định cuả Luật Giá, góp phần kiểm soát lạm phát; thực hiện tốt quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, trong đó có giá xăng dầu, điện, nước sạch, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục... với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm cân đối cung cầu và chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được tăng cường triển khai tại các địa phương, qua đó bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm, góp phần bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn và trên phạm vi cả nước. Các địa phương cũng tiếp tục chú trọng đến công tác đưa hàng về nông thôn, các khu công nghiệp, các xã huyện, vùng sâu, vùng xa, vùng huyện đảo để phục vụ nhân dân trong dịp Tết qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết tiếp tục được tăng cường thực hiện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về quản lý giá, thuế, phí.

Đối với giá xăng dầu: Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, thị trường xăng dầu trong nước; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính và Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm góp phần ổn định thị trường, không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Thực hiện công khai minh bạch việc điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát của xã hội. Qua đó, đã hạn chế được áp lực lạm phát do tâm lý của người dân.

Đối với giá điện: Trong năm 2016, giá bán lẻ điện bình quân được giữ ổn định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Giá nước sạch sinh hoạt được Ủy ban nhân dân một số địa phương điều chỉnh tăng trong năm 2016 nhưng vẫn nằm trong phạm vi khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt tại Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 và không gây tác động lớn đến đời sống nhân dân. Việc điều chỉnh giá nước sạch tại các địa phương thường được tính toán kỹ lưỡng và có sự đồng thuận của các cơ quan ban ngành tại địa phương để bảo đảm hài hòa thực tế sản xuất kinh doanh và không tác động lớn đến đời sống nhân dân.

Tóm lại, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nghiêm túc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương nên giá cả thị trường trong năm 2016 cơ bản ổn định, không xảy ra đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 tăng 4,74% so với tháng 12/2015, đạt mục tiêu đặt ra; CPI bình quân năm 2016 so với năm 2015 tăng 2,66%. Lạm phát cơ bản năm 2016 tăng 1,83% so với năm 2015.