Thuế nhập khẩu một số mặt hàng đường nhóm 17.02 dự kiến tăng 3-4%

Theo Tổng cục Hải quan

Ngày 4/4/2013, Bộ Tài chính đã có Công văn số 4117/BTC-CST trả lời kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam về thuế nhập khẩu đường, thuế nhập khẩu chất ngọt thay thế đường và mật rỉ đường. Theo đó, mức thuế nhập khẩu mặt hàng đường thô và tinh luyện vẫn giữ nguyên, nhưng tăng mức thuế một số mặt hàng đường khác thuộc nhóm 17.02.

Thuế nhập khẩu một số mặt hàng đường nhóm 17.02 dự kiến tăng 3-4%
Mật mía tinh luyện. Nguồn: Internet

Trước đó, Hiệp hội Mía đường đã kiến nghị bãi bỏ chính sách có liên quan đến việc khuyến khích nhập khẩu đường và giữ nguyên mức thuế nhập khẩu theo cam kết WTO với đường ăn các loại, do đường sản xuất trong nước đang dư thừa. Cũng theo Hiệp hội này, các loại chất ngọt khác đường saccharose và mật rỉ đường không được kiểm soát và nhập khẩu tự do với mức thuế hầu hết là 0% đã gây khó khăn cho ngành sản xuất trong nước, chất ngọt hóa học thay thế đường cũng cần kiểm soát do vấn đề an toàn thực phẩm. Trước thực trạng này, Hiệp hội Mía đường đề nghị xét lượng hạn ngạch và thuế suất nhập khẩu áp dụng như mặt hàng đường đối với mật rỉ đường và áp thuế đặc biệt với chất ngọt hóa học thay thế đường.

Về phía Bộ Tài chính, ngày 15/11/2012, Bộ đã ban hành Thông tư số 193/2012/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, trong đó quy định thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường thô chưa pha thêm hương liệu hoặc chất màu là 25% và đường tinh là 40%, trong khi mức thuế suất tất cả các mặt hàng đường áp dụng trong năm 2012 là 15%, theo quy định tại Thông tư số 157/2011/TT-BTC. Như vậy, mức thuế nhập khẩu mặt hàng đường đã được điều chỉnh tăng trở lại. Mức thuế hiện hành với đường thô là 25%, bằng cam kết WTO và đối với đường tinh là 40%, thấp hơn mức cam kết WTO 2013 (là 50% đối với đường củ cải và 60% với đường tinh).

Bên cạnh đó, hiện nay, trong nước vẫn có nhu cầu nhập khẩu đường thô về tinh luyện, nên mức thuế 40% đã là khá cao. Đồng thời, mặt hàng đường thô thuộc diện vẫn phải nhập khẩu theo hạn ngạch nên trong trường hợp nhập khẩu ngoài hạn ngạch thì thuế suất áp dụng còn cao hơn (mức 80% đối với đường thô và 85% đối với đường tinh). Do vậy, Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất hiện nay quy định tại Thông tư số 193/2012/TT-BTC.

Về thuế nhập khẩu chất ngọt đường và mật rỉ đường; theo danh mục Biểu thuế xuất nhập khẩu ban hành theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC thì các chất tạo ngọt thay thế đường thuộc nhóm 17.02, mật rỉ đường thuộc nhóm 17.03. Mặt hàng mật rỉ đường thuộc nhóm 17.03 hiện có mức thuế nhập khẩu là 10%, bằng với mức cam kết WTO 2013. Do vậy, không thể tăng thuế với các mặt hàng này cao hơn mức đã cam kết.

Về thuế nhập khẩu các chất tạo ngọt thay thế đường thuộc nhóm 17.02, Bộ Tài chính dự kiến nâng mức thuế suất các mặt hàng đường khác lên mức 7% đối với các dòng thuế hiện đang có mức thuế 3%, nâng mức thuế lên 10% đối với các dòng hiện đang có mức 5% và nâng lên 15% với các dòng hiện có mức thuế 10%.

Cơ sở tăng mức thuế như vậy được Bộ Tài chính tính toán dựa trên chính sách thuế hiện hành, tình hình kim ngạch nhập khẩu mặt hàng theo thống kê của Tổng cục Hải quan. Số liệu thống kê cho thấy, một số mặt hàng như xirofructoza, đường caramen, xiro các loại khác có kim ngạch nhập khẩu tương đối lớn, cần hạn chế nhập để khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước.  

Bộ Tài chính cũng đã trao đổi về thực tế hàng hóa với Hiệp hội doanh nghiệp và nhận thấy, đường tinh khiết về mặt hóa học gồm ete đường, axetal đường và este đường và muối của chúng… Đường hóa học có nhiều loại và nhiều tên gọi khác nhau, từ tên hóa học đến tên thương mại như: saccarin độ ngọt 300-400 lần, aspartan độ ngọt 180-200 lần, acesunfam-K độ ngọt 150-200 lần… và có thể chia làm 2 nhóm: nhóm ít độc hại sử dụng cho ăn kiêng hoặc chế biến thực phẩm và nhóm độc hại gây các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, tiểu đường… Hiện trên thị trường có nhiều loại đường hóa học có tên gọi thương mại khác nhau không được kiểm soát chặt chẽ nên việc điều tiết bằng thuế nhập khẩu sẽ góp phần hạn chế nhập khẩu các mặt hàng độc hại, tăng tiêu dùng trong nước, tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Bộ Tài chính cũng cho biết hiện nay một tập đoàn của Hàn Quốc đang tìm hiểu chính sách để xây dựng nhà máy sản xuất chất tạo ngọt thay đường, do vậy điều chỉnh tăng thuế suất nhóm mặt hàng này để khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước, thay thế nguồn hàng nhập khẩu.  

Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Thông tư thay thế mức thuế suất một số mặt hàng trên và đang lấy ý kiến các đơn vị quản lý liên quan cũng như hiệp hội doanh nghiệp.