Thuế nhập khẩu nguyên liệu gia công được thực hiện theo quy định nào?

PV.

Trong quá trình hoạt động, của Công ty TNHH May Oasis đã găp phải một số vướng mắc về thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập sản xuất xuất khẩu thuê gia công một hoặc một số công đoạn, Tổng cục Hải quan đã có giải đáp kịp thời, tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Căn cứ theo các quy định pháp luật về việc miễn thuế nhập khẩu và hoàn thuế nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã có giải đáp cụ thể như sau:

Về việc miễn thuế nhập khẩu

Căn cứ khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, khoản 1 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định về miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu; cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP;

Căn cứ khoản 3 Điều 33 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định về các trường hợp người nộp thuế bị cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Căn cứ khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015) quy định về việc khai thay đổi mục đích sử dụng đối với hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu.

Căn cứ các quy định trên, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số số 6353/TCHQ-TXNK ngày 29/10/2018 trả lời Công ty về chính sách thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu sau đó thuê gia công một hoặc một số công đoạn, theo đó:

Từ ngày 01/9/2016, trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng không trực tiếp sản xuất toàn bộ hàng hóa xuất khẩu mà giao một phần hoặc toàn bộ hàng hóa đã nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn sau đó nhận lại sản phẩm để tiếp tục sản xuất và xuất khẩu sản phẩm;

Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu, đã đưa hàng hóa nhập khẩu vào sản xuất, sau đó thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn và nhận lại sản phẩm để tiếp tục sản xuất và/hoặc xuất khẩu sản phẩm thì không đáp ứng cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP (không đáp ứng điều kiện có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu) nên phần hàng hóa nhập khẩu đã đưa cho doanh nghiệp khác sản xuất hoặc gia công không thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa thực hiện kê khai trên tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện khai thay đổi mục đích sử dụng như quy định nêu trên, cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế theo quy định. Căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế, tỷ giá tính thuế, trị giá tính thuế của nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thực hiện theo tờ khai nhập khẩu ban đầu. Ngoài ra, cơ quan hải quan thực hiện tính tiền chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định đối với số hàng hóa này.

Về việc hoàn thuế nhập khẩu

Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, khoản 1 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định về việc hoàn thuế nhập khẩu đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan; cơ sở xác định hàng hóa được hoàn thuế nhập khẩu quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP như sau:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu có cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu;

- Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được hoàn thuế là trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thực tế được sử dụng để sản xuất sản phẩm thực tế xuất khẩu;

- Sản phẩm xuất khẩu được làm thủ tục hải quan theo loại hình sản xuất xuất khẩu;

- Tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc ủy thác nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu sản phẩm.

Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai chính xác, trung thực trên tờ khai hải quan về sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hàng hóa nhập khẩu trước đây”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp công ty sau khi khai thay đổi mục đích sử dụng đã nộp thuế nhập khẩu cho phần hàng hóa nhập khẩu nhưng giao cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn sau đó nhận lại sản phẩm để tiếp tục sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thì không đáp ứng quy định về cơ sở xác định hàng hóa được hoàn thuế tại điểm a khoản 3 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP nên không được hoàn thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, vật tư đã giao cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn.

Các vướng mắc liên quan đến chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan đã tổng hợp vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Hiện dự thảo Nghị định đang được gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới.

Trước mắt, đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.