Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập của chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Xuân Minh

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập của chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định thực hiện như thế nào? là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (nhà thầu nước ngoài), nhà thầu nước ngoài cử chuyên gia là cá nhân nước ngoài sang Việt Nam làm việc.

Ngoài khoản tiền lương, tiền công nhận được, các chuyên gia nước ngoài này còn được hưởng các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương trong thời gian làm việc tại Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam chi trả.

Vậy khoản thu nhập mà các chuyên gia nước ngoài nhận được phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như thế nào?. Sau đây là một số quy định về khoản thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

Thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công mà chuyên gia nước ngoài nhận được bao gồm cả các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà chuyên gia nước ngoài nhận được hưởng dưới mọi hình thức như:

- Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.

Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.

Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả thay nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có)) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.

- Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động.

- Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ, cụ thể như sau:

+ Khoản phí hội viên (như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao...) nếu thẻ có ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng. Trường hợp thẻ được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

 + Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ... nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

- Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

+ Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

+ Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.

- Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo quy chế của đơn vị.

- Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng...

- Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức...

Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức trả thu nhập căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế).

Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có ký hợp đồng mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài mà tổ chức nước ngoài đó có ký hợp đồng lao động với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho tổ chức nước ngoài về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân của người lao động nước ngoài và về trách nhiệm cung cấp các thông tin về người lao động nước ngoài, gồm: danh sách, quốc tịch, số hộ chiếu, thời gian làm việc, công việc đảm nhận, thu nhập cho bên Việt Nam để bên Việt Nam cung cấp cho cơ quan thuế chậm nhất trước 07 ngày kể từ ngày cá nhân nước ngoài bắt đầu làm việc tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam khi chi trả khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương trong thời gian làm việc tại Việt Nam cho các chuyên gia nước ngoài sang làm việc thì doanh nghiệp Việt Nam thực hiện khấu trừ thuế, khai thuế TNCN và cung cấp các thông tin về chuyên gia nước ngoài cho cơ quan thuế theo quy định.

Về khai thuế TNCN của chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trường hợp chuyên gia nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì thực hiện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế đối với phần thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và tự quyết toán thuế khi kết thúc năm.

Trường hợp chuyên gia nước ngoài được xác định là cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận tại nước ngoài khai thuế thì cá nhân thực hiện khai và nộp thuế TNCN với cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trường hợp cá nhân ủy quyền (Theo quy định của Bộ Luật dân sự) cho doanh nghiệp tại Việt Nam khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ, khai và nộp thuế thay cho cá nhân. Doanh nghiệp tại Việt Nam khai thay cho cá nhân theo mẫu 02/KK-TNCN ban hành theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.