Xếp lương khi chuyển từ công ty cổ phần sang đơn vị sự nghiệp

Theo Luật sư Trần Văn Toàn VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội/chinhphu.vn

Ông Nguyễn Ngọc Anh (Hà Nội) làm việc tại một công ty cổ phần (trước đây Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, nay đã thoái hết vốn), đóng BHXH liên tục được 13 năm 11 tháng, đã nâng bậc lương 4 lần (2.34, 2.65, 2.96, 3.27).

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Ông Ngọc Anh chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) ở công ty và xin vào làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập là viện nghiên cứu theo hình thức hợp đồng lao động có thời hạn, đơn vị xếp lương cho ông bậc 2, ngạch nghiên cứu viên, hệ số 2.67. Ông hỏi, như vậy có phù hợp không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Ngọc Anh hỏi như sau:

Điều 15 Bộ luật Lao động quy định, HĐLĐ là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Hiện nay, người lao động theo HĐLĐ trong đơn vị sự nghiệp công lập được trả lương theo thang, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ (bảng 3) hoặc bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ (bảng 4) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ; được tham gia, đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHYT và được hưởng các chế độ chính sách khác như viên chức đang cùng làm việc tại đơn vị sự nghiệp, có cùng trình độ đào tạo hoặc chức danh nghề nghiệp.

Khi đơn vị sự nghiệp công lập ký kết HĐLĐ với người lao động đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm thỏa thuận trong HĐLĐ thì có thể xem xét, vận dụng quy định xếp lương khi tuyển dụng viên chức nêu tại Khoản 3, Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ, để xếp lương cho người lao động.

Đối với người có trình độ đại học, đơn vị sự nghiệp công lập và người lao động thỏa thuận ký kết HĐLĐ, xếp, trả lương theo bảng lương số 3, ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp ông Nguyễn Ngọc Anh, đã có thời gian làm việc đóng BHXH bắt buộc 13 năm 11 tháng tại một công ty cổ phần (trước đây Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, nay đã thoái hết vốn Nhà nước). Vào thời điểm chấm dứt HĐLĐ, ông hưởng lương, đóng BHXH bắt buộc theo mức lương bậc 4/8 hệ số 3.27, thang lương chuyên viên, kinh tế viên, kỹ sư, bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ ở công ty Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

Khi ký kết HĐLĐ với đơn vị sự nghiệp công lập, ông được xếp lương bậc 2/9, hệ số 2.67 thang lương viên chức A1, bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước (bảng 3), ban hành kèm theo Nghị định số  204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

Căn cứ Điều 15 Bộ luật Lao động, khi ký kết HĐLĐ, đơn vị sự nghiệp công lập và ông Anh thoả thuận về mức lương bậc 2/9 hệ số 2.67 là không trái nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận.

Tuy nhiên, trường hợp ông Anh trước khi ký kết HĐLĐ với đơn vị sự nghiệp công lập đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm hiện tại, đáp ứng được ngay công việc, nên ông có thể đề nghị đơn vị xem xét, vận dụng quy định khi tuyển dụng viên chức nêu tại Khoản 3, Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV để được xếp lương vào bậc 3/9 hệ số 3.00, gần hơn với mức lương hệ số 3.27 đã hưởng, đã đóng BHXH trước đây ở đơn vị cũ.