Xử lý phế liệu, phế phẩm, thành phẩm của hợp đồng gia công như thế nào?

PV.

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh vướng mắc của Công ty TNHH một thành viên Việt Pan - Pacific World về việc xử lý phế liệu, phế phẩm, thành phẩm của hợp đồng gia công, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan công văn số 969/GSQL-GQ2 giải đáp cụ thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, về việc xử lý phế liệu, phế phẩm khi hợp đồng gia công kết thúc, theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực thực hiện, doanh nghiệp phải có văn bản thông báo phương án xử lý nguyên vật liệu dư thừa, máy móc, thiết bị; phế liệu, phế phẩm cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục quyết toán nguyên liệu vật tư.

Về tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam, đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC và hướng dẫn tại điểm e, điểm f công văn số 18195/BTC-TCHQ ngày 31/3/2015 của Bộ Tài chính.

Việc xử lý phế liệu thu được trong quá trình hoạt động sản xuất đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đối với sản phẩm hoàn thành chưa xuất khẩu, theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực, các bên ký kết hợp đồng phải thanh lý hợp đồng và làm thủ tục thanh khoản với cơ quan hải quan.

Do vậy, trường hợp còn sản phẩm hoàn thành chưa xuất khẩu thì Công ty phải ký phụ lục gia hạn hợp đồng gia công để xuất khẩu hết sản phẩm. Khi sản phẩm gia công được xuất khẩu hết mới thực hiện thanh lý, quyết toán hợp đồng gia công.