Xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa

PV.

Trả lời ý kiến doanh nghiệp về nội dung liên quan đến kinh phí giảm trừ của doanh nghiệp có được trừ vào số tiền thu được từ bán cổ phần, Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hỏi: Trong thời gian hoàn thiện hồ sơ quyết toán phần vốn nhà nước sang Công ty cổ phần, đơn vị bị giảm trừ kinh phí quyết toán các công trình theo kết luận của Đoàn thanh tra và Kiểm toán. Các công trình bị giảm trừ đã thi công trong thời gian từ 01/01/2013 đến 30/11/2014, thời gian này đơn vị còn là Công ty TNHH một thành viên ( Công ty nhà nước). Lý do giảm vì nguyên nhân khách quan với tổng số tiền giảm trừ là 421.986.408 đồng. Căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 và Thông tư số 127/TT-BTC ngày 05/09/2014, số kinh phí giảm trừ này công ty tôi có được trừ vào số tiền thu từ bán cổ phần khi quyết toán phần vốn nhà nước sang công ty cổ phần không?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có hướng dẫn như sau:

- Tại điểm a khoản 3 Điều 10 Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần quy định:

“Trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục xử lý các tồn tại về tài chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và lập báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Trong đó:

a) Đối với đầu tư tài sản cố định, đầu tư xây dựng công trình còn dở dang khi xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần hoàn thành đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán nếu có chênh lệch so với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì được điều chỉnh theo quyết toán đã được phê duyệt”.

- Tại điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần quy định:

“Nếu do nguyên nhân khách quan (do thiên tai, địch họa, do nhà nước thay đổi chính sách hoặc do biến động của thị trường quốc tế và các nguyên nhân bất khả kháng khác) doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa xem xét, quyết định việc sử dụng tiền thu từ bán cổ phần để bù đắp tổn thất sau khi trừ đi bồi thường của bảo hiểm (nếu có). Trường hợp tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp, cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa xem xét thông qua Đại hội đông cổ đông điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của công ty cổ phần”.

- Tại khoản 7 Điều 10 Điều 10 Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần quy định:

"7. Trường hợp phát sinh chênh lệch giảm (bao gồm cả nguyên nhân do kinh doanh bị thua lỗ) phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan trước khi xử lý, trong đó:

a) Chênh lệch giảm do nguyên nhân khách quan là các khoản tổn thất do thiên tai, địch hoạ, do Nhà nước thay đổi chính sách hoặc do biến động của thị trường quốc tế và các nguyên nhân bất khả kháng khác, nhưng doanh nghiệp cổ phần hoá không bị âm vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa xem xét thông qua Đại hội đồng cổ đông điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của công ty cổ phần.

Trường hợp phát sinh chênh lệch giảm dẫn đến giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hoá thời điểm chuyển sang công ty cổ phần bị âm thì doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa xem xét quyết định việc sử dụng tiền thu từ bán cổ phần (sau khi đã chi trả trợ cấp cho người lao động dôi dư và chi phí cổ phần hoá) và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có) để bù đắp; sau khi đã được bù đắp mà giá trị vốn nhà nước vẫn còn bị âm và doanh nghiệp cổ phần hoá đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần lần đầu thì Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để biểu quyết việc xử lý lỗ và duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

b) Các trường hợp giảm vốn còn lại được xác định là nguyên nhân chủ quan xử lý theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Cơ quan quyết định cổ phần hoá không lựa chọn và tiến cử các cá nhân có trách nhiệm liên quan đến việc kinh doanh thua lỗ dẫn đến giảm vốn làm đại diện phần vốn nhà nước góp tại công ty cổ phần."

Căn cứ quy định nêu trên, khi lập báo cáo tài chính tại thời điểm xác định GTDN để cổ phần hóa, các công trình xây dựng đã được tính theo giá tạm tính để xác định kết quả kinh doanh và xác định vào GTDN để cổ phần hóa.

Đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (01/12/2014), trường hợp các công trình này đã hoàn thành và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán có phát sinh giảm giá trị dự toán thì khi DN CPH lập báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành CTCP, khoản chênh lệch giảm này được điều chỉnh trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp để xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm DN CPH chính thức chuyển thành CTCP so với giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định GTDN, cụ thể:

Trường hợp khi quyết toán chênh lệch giảm dẫn đến giá trị vốn NN tại DN CPH thời điểm chuyển thành CTCP bị âm thì doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa xem xét quyết định việc sử dụng tiền thu từ bán cổ phần (sau khi đã chi trả trợ cấp cho người lao động dôi dư và chi phí cổ phần hoá) và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có) để bù đắp.

Đối với trường hợp sau khi đã được bù đắp mà giá trị vốn nhà nước vẫn còn bị âm và doanh nghiệp cổ phần hoá đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần lần đầu thì Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để biểu quyết việc xử lý lỗ và duy trì hoạt động của doanh nghiệp.