Xử lý vi phạm thuế GTGT đầu vào là tiền bồi thường tài nguyên rừng đã nộp NSNN

Theo mof.gov.vn

Ngày 03/05/2017, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 1733/TCT-KK trả lời Cục Thuế tỉnh Bến Tre về việc xử lý vi phạm hành chính kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào là tiền bồi thường tài nguyên rừng đã nộp ngân sách nhà nước (NSNN).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 496/CT-TTr ngày 08/03/2017 của Cục Thuế tỉnh Bến Tre đề nghị giải đáp những vướng mắc về xử lý vi phạm hành chính thuế GTGT đầu vào là tiền bồi thường tài nguyên rừng đã nộp NSNN và đã kê khai của doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hòa Phát.

Trả lời Cục Thuế tỉnh Bến Tre, Công văn số 1733/TCT-KK ngày 03/05/2017 của Tổng cục Thuế nêu rõ, căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT thì tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Theo quy định tại tiết b điểm 1.2 mục III phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính, thuế GTGT đầu vào bằng (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, căn cứ tiết b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2007 của Chính phủ quy định về các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật thuế thì đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về thuế thì cá nhân, tổ chức vì phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt sau đây: Phạt theo số tiền tuyệt đối đối với các hành vi vi phạm thủ tục thuế, mức phạt tối đa không quá 100 triệu đồng. Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm về thủ tục thuế là mức trung hình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.

Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt; Phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, tiền phạt; Phạt 10% số tiền thuế thiểu đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của NSNN đối với hành vi vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 114 của Luật Quản lý thuế; Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Khi xác định mức phạt tiền đối với người nộp thuế vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc nếu có hai tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

Sau khi giảm trừ theo nguyên tắc trên, nếu còn một tình tiết tăng nặng và một tình tiết giảm nhẹ thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và thái độ khắc phục hậu quả của đối tượng vi phạm, người có thẩm quyền xử lý xem xét áp dụng mức phạt tiền đối với trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc trường hợp không có tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì mọi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 20% mức phạt trung bình của khung tiền phạt.

Bên cạnh đó, Công văn số 1733/TCT-KK của Tổng cục Thuế cũng nêu rõ, căn cứ Điều 12 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm pháp luật thuế, các hành vi vi phạm bị xử phạt chậm nộp tiền thuế của người nộp thuế, bao gồm: Nộp tiền thuế chậm so với thời hạn quy định, thời hạn được gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan thuế, trong quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan thuế; Nộp thiếu tiền thuế do khai sai số thuế phải nộp, số thuế được miễn, số thuế được giảm, số thuế được hoàn của các kỳ khai thuế trước, nhưng người nộp thuế đã tự phát hiện ra sai sót và tự giác nộp đủ số tiền thuế thiếu vào NSNN trước thời điểm nhận được quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định, mức xử phạt là 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với hành vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Số ngày chậm nộp tiền thuế bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo hoặc trong quyết định xử lý của cơ quan thuế đến ngày người nộp thuế đã tự giác nộp so tiền thuế chậm nộp vào NSNN.

Trường hợp người nộp thuế tự xác định được số tiền phạt chậm nộp thì tự khai, tự nộp số thuế phạt vào NSNN theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc không xác định đúng số tiền phạt chậm nộp thì cơ quan thuế xác định so tiền phạt chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết.

Trường hợp sau 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế và tiền phạt chậm nộp thì cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp. Người nộp thuế không bị phạt chậm nộp tính trên số tiền thuế nợ trong thời gian gia hạn nộp thuế.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hòa Phát qua kiểm tra cơ quan thuế xác định doanh nghiệp kê khai sai số thuế được khấu trừ dẫn đến phát sinh phải nộp giai đoạn năm 2011 thì áp dụnghình thức phạt và xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế theo quy định tại tiết b khoản 1 Điều 6, Điều 12 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2007 của Chính phủ.

Thông qua Công văn số 1733/TCT-KK, Tổng cục Thuế giao Cục Thuế tỉnh Bến Tre hướng dẫn doanh nghiệp và phối hợp với liên ngành Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng làm rõ và xác định lại số thuế theo Biên bản xác định tiền bồi thường tài nguyên rừng đã nộp vào NSNN của Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hòa Phát.

Nếu việc xác định lại tiền bồi thường tài nguyên rừng không có thuế GTGT, doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải nộp số thuế GTGT này nhưng đã thực hiện nộp vào ngân sách là khoản thu khác cho cơ quan quản lý thu là Sở Tài chính (theo giấy nộp tiền ngày 25/04/2011) thì doanh nghiệp liên hệ với Sở Tài chính để được xử lý theo quy định.