Lao động hợp đồng 01 năm có được hưởng thu nhập tăng thêm?

PV.

Cơ sở để trích lập Quỹ bổ sung thu nhập căn cứ quỹ tiền lương, ngạch bậc chức vụ và các khoản phụ cấp, trong đó bao gồm tiền lương của lao động hợp đồng từ 1 năm trở lên. Do đó, việc chi trả thu nhập tăng thêm từ Quỹ bổ sung thu nhập bao gồm cả lao động hợp đồng từ 1 năm trở lên...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bạn đọc Đàm Đức Lương – Bình Thuận hiện đang công tác tại Ban Quản lý dự án trực thuộc tỉnh có gửi câu hỏi về Bộ Tài chính về việc chi thu nhập tăng thêm cho người lao động. Theo bạn đọc, Điều 7 Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 quy định đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm là lao động hợp đồng 01 năm trở lên. "Đơn vị tôi có 1 trường hợp người lao động ký hợp đồng thử việc 1 năm bắt đầu từ tháng 03/2019, hết 1 năm thử việc tiếp tục ký hợp đồng lao động 1 năm vào thời điểm tháng 3/2020. Vậy người này có được hưởng thu nhập tăng thêm không và được hưởng từ thời điểm nào?" - Bạn đọc hỏi.

Giải đáp vướng mắc trên, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/07/2017 quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 28/01/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 72/2017/TT-BTC, trong đó đã quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng và phân nhóm đối tượng quản lý.

Trong đó, Thông tư số 62/2019/TT-BTC đã quy định về chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động. Theo đó, trong phạm vi nguồn kinh phí tiết kiệm được, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án xác định hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa 1 lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định để chi trả thu nhập tăng thêm cho các đối tượng hưởng lương từ chi phí quản lý dự án theo quy định.

Đơn vị tự xác định chênh lệch thu, chi thường xuyên, thực hiện tạm trích Quỹ bổ sung thu nhập hàng quý (tối đa không vượt quá 70% số chênh lệnh thu lớn hơn chi đơn vị xác định được theo quý) để chi thu nhập tăng thêm cho từng người lao động hàng tháng theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Việc chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động đảm bảo nguyên tắc gắn với khối lượng, nhiệm vụ công việc được giao, mức độ hoàn thành công việc, bảo đảm thu hút được lao động có trình độ cao và tương quan hợp lý với tiền lương của cán bộ, công chức trong cùng đơn vị.

Chi bổ sung thu nhập (thu nhập tăng thêm) cho người lao động hưởng lương từ chi phí quản lý dự án (gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng tiền lương từ chi phí quản lý dự án) trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập (thu nhập tăng thêm) cho người lao động hưởng lương từ chi phí quản lý dự án năm sau trong trường hợp nguồn thu nhập bị giảm.

Bộ Tài chính đề nghị độc giả căn cứ vào Thông tư số 72/2017/TT-BTC để xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, phân nhóm đối tượng quản lý. Trường hợp đơn vị của độc giả thuộc nhóm, đối tượng, phân nhóm đối tượng quản lý của Thông tư số 72/2017/TT-BTC và Thông tư số 06/2016/TT-BTC thì áp dung quy định về chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Về quy định tại tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, việc phân phối kết quả tài chính trong năm, trong đó có Quỹ bổ sung thu nhập thực hiện theo quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP và Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017.

Đối với Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi, mức trích tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công bình quân thực hiện trong năm của đơn vị. Quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ làm cơ sở để tính trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trong năm của đơn vị, bao gồm: Tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp: Tính trên cơ sở hệ số lương, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) do Nhà nước quy định của số lượng người làm việc trong đơn vị theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ và mức tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định; tiền lương của lao động hợp đồng từ 1 năm trở lên; tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương theo niên hạn và nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị theo quy định (nếu có).

Đối với Quỹ bổ sung thu nhập, cơ sở tính trích lập Quỹ bổ sung thu nhập căn cứ quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ. Căn cứ dự toán thu, chi của năm; kết quả hoạt động tài chính quý trước (trong trường hợp quý đầu tiên của năm kế hoạch, đơn vị căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của quý IV năm trước liền kề), nhằm động viên kịp thời người lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị tự xác định chênh lệch thu, chi thường xuyên, thực hiện tạm trích Quỹ bổ sung thu nhập hàng quý (tối đa không vượt quá 70% số chênh lệnh thu lớn hơn chi đơn vị xác định được theo quý) để chi thu nhập tăng thêm cho từng người lao động hàng tháng theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị…

Đối với Quỹ khác chỉ được trích lập khi pháp luật chuyên ngành lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác quy định cho phép đơn vị được trích lập, mức trích lập quỹ và sử dụng quỹ theo quy định của pháp luật chuyên ngành; trường hợp không quy định, đơn vị không được trích lập.

Theo quy định nêu trên, Bộ Tài chính hướng dẫn, cơ sở để trích lập Quỹ bổ sung thu nhập căn cứ quỹ tiền lương, ngạch bậc chức vụ và các khoản phụ cấp, trong đó bao gồm tiền lương của lao động hợp đồng từ 1 năm trở lên; do đó việc chi trả thu nhập tăng thêm từ Quỹ bổ sung thu nhập bao gồm cả lao động hợp đồng từ 1 năm trở lên; ngoài ra còn căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.