Một số điểm mới về xây dựng dự toán ngân sách địa phương năm 2018

Theo mof.gov.vn

Xây dựng dự toán thu, chi ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2018 phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương năm 2018 và giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020... là những yêu cầu quan trọng tại Thông tư số 71/2017/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2008 và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2018-2020 vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, ngoài các quy định hướng dẫn chung về công tác lập dự toán NSNN, việc lập, xây dựng dự toán NSĐP cần chú ý một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, về xây dựng dự toán thu ngân sách trên địa bàn

Các địa phương xây dựng dự toán trên cơ sở tổng hợp toàn bộ các khoản thu từ thuế, phí lệ phí và các khoản thu khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 7 của Luật NSNN và các quy định pháp luật có liên quan.

Căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020, khả năng thực hiện các chỉ tiêu KT-XH và ngân sách năm 2017, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018, phạm vi thu NSNN theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật, dự báo nguồn thu năm 2018 đối với từng ngành, từng lĩnh vực, các cơ sở kinh tế của từng địa phương và những nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng khoản thu theo chế độ.

Phân tích, đánh giá cụ thể những tác động tăng, giảm thu ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2018 theo từng địa bàn, lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan, phối hợp với các cơ quan liên quan chấp hành nghiêm việc lập dự toán thu ngân sách và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng dự toán thu ngân sách.

Đồng thời, yêu cầu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, lập dự toán thu NSNN tích cực, sát thực tế phát sinh tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu, không để phần dư địa để thực hiện giao chỉ tiêu phấn đấu thu, lấy chỉ tiêu pháp lệnh thu NSNN Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao làm căn cứ chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn.

Thứ hai, về xây dựng dự toán chi NSĐP

Ủy ban nhân dân các cấp chủ động xây dựng dự toán chi NSĐP trên cơ sở nguồn thu NSĐP được hưởng theo phân cấp, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP, số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP được giao năm 2017.

Đồng thời, phải dựa trên cơ sở mục tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2018 của địa phương; Thực tế thực hiện các nhiệm vụ thu - chi ngân sách của địa phương năm 2016, ước thực hiện năm 2017, xây dựng dự toán chi NSĐP chi tiết từng lĩnh vực chi theo quy định của Luật NSNN, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ đã cam kết, chế độ chính sách đã ban hành.

Các địa phương báo cáo chi tiết nhu cầu, việc sử dụng các nguồn lực của địa phương, kinh phí thừa, thiếu để thực hiện các chính sách mới, hoặc việc điều chỉnh tăng mức, mở rộng đối tượng thụ hưởng các chính sách hiện hành trong năm 2017 và nhu cầu năm 2018 theo quy định, để có cơ sở lập dự toán bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc quy định tại Quyết định 579/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, đối với dự toán chi đầu tư phát triển, căn cứ quy định của Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển trong cân đối NSĐP theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg.

Đối với kinh phí diễn tập khu vực phòng thủ, các địa phương căn cứ vào kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ được Bộ Quốc phòng hoặc Quân khu phê duyệt, xây dựng dự toán chi NSNN chi tiết theo từng nhiệm vụ diễn tập cụ thể và xác định số kinh phí đề nghị NSTW hỗ trợ, gửi Bộ Tài chính để làm cơ sở tổng hợp, bố trí vào dự toán năm 2018 trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ cho địa phương thực hiện.

Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA trên địa bàn thuộc trách nhiệm của địa phương; chủ động tính toán, bố trí nguồn để xử lý dứt điểm các khoản nợ xây dựng cơ bản, các khoản nợ vay của NSĐP phải trả khi đến hạn.

Bố trí dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng KT-XH, các dự án di dân, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng, Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới; Chủ động phân bổ lập quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Sử dụng tối thiểu 10% số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04/4/2013.

Đối với nguồn thu xổ số kiến thiết, các địa phương dự toán nguồn thu này trong dự toán thu cân đối NSĐP, sử dụng toàn bộ cho chi đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên bố trí đầu tư lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, Chương trình mục mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình phúc lợi xã hội khác theo quy định của cấp có thẩm quyền. Các địa phương bố trí tối thiểu 10% cho Chương trình mục mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Sau khi đã bố trí vốn đảm bảo hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực nêu trên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số thu còn lại (nếu có) bố trí cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của NSĐP. Số tăng thu thực hiện từ hoạt động xổ số kiến thiết so với dự toán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao (nếu có), địa phương được chủ động phân bổ chi đầu tư cho các công trình quan trọng, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế và nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với các nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ mục tiêu nhiệm vụ và nhu cầu nguồn vốn đầu tư đã quy định, kết quả đã đầu tư đến hết năm 2016, khả năng thực hiện năm 2017, các địa phương chủ động xây dựng, tính toán nhiệm vụ năm 2018, trong đó chủ động bố trí, sắp xếp NSĐP và các nguồn tài chính theo chế độ quy định để thực hiện các nhiệm vụ trên, giảm dần sự phụ thuộc các khoản bổ sung từ NSTW.

Trên cơ sở kế hoạch triển khai cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, dự toán giảm chi thường xuyên NSNN hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc điều chỉnh giá, phí đơn vị sự nghiệp công và dự toán sử dụng số giảm chi ngân sách để tăng chi thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, các đối tượng chính sách để tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công, thực hiện cải cách tiền lương, tăng chi mua sắm, sửa chữa và chi đầu tư phát triển cho các chương trình, dự án, các mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực, trên cơ sở đó cơ cấu lại chi thường xuyên các lĩnh vực, cơ cấu lại chi NSNN của địa phương năm 2018.

Xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2018, các địa phương chủ động dự kiến nhu cầu kinh phí phụ cấp, trợ cấp đối với vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 131/QĐ-TTg và Quyết định 582/QĐ-TTg; rà soát tính toán dành các nguồn theo quy định để thực hiện chi cải cách tiền lương.

Xây dựng dự toán chi trả nợ lãi, phí và chi phí khác: bố trí thành một mục chi riêng trong chi cân đối NSĐP, đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn; kèm theo thuyết minh mức chi trả chi tiết theo từng nguồn vốn vay (nếu có), gồm: nguồn vay nước ngoài Chính phủ vay về cho địa phương vay lại, ứng vốn Kho bạc nhà nước, tín dụng phát triển để kiên cố hóa kênh mương, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Thứ ba, xây dựng dự toán số bội chi/bội thu, kế hoạch vay và trả nợ gốc của NSĐP

Việc xây dựng dự toán số bội chi/bội thu, kế hoạch vay và trả nợ gốc của NSĐP thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.

Theo đó, ngân sách cấp tỉnh từng địa phương chỉ được phép bội chi khi đáp ứng đủ các quy định và điều kiện của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Căn cứ giới hạn dư nợ công, khả năng vay vốn trong nước, bố trí nguồn trả nợ, Bộ Tài chính đề xuất mức bội chi NSNN nói chung, trong đó có mức bội chi của NSTW và bội chi của NSĐP, mức bội chi của từng địa phương (nếu có), để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với các địa phương được phép bội chi thì số vay bù đắp bội chi phải đảm bảo tối thiểu 60% là vay trung và dài hạn, chi tiết theo từng nguồn vốn vay quy định tại điểm h khoản 2 Điều này (nếu có).

Trên cơ sở mức dư nợ của NSĐP đến ngày 31/12/2017, nhu cầu vay vốn cho đầu tư phát triển năm 2018 và khả năng trả nợ trong trung hạn của NSĐP, các địa phương phải đánh giá đầy đủ tác động của nợ NSĐP trước khi đề xuất, quyết định các khoản vay mới, đảm bảo mức dư nợ vay của địa phương không vượt quá mức dư nợ tối đa theo chế độ quy định.

Trường hợp hạn mức dư nợ của NSĐP ước đến ngày 31/12/2017 vượt mức chế độ quy định, thì trong dự toán ngân sách 2018 địa phương phải dành nguồn thu NSĐP được hưởng theo phân cấp, giảm kế hoạch chi đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để bố trí tăng chi trả nợ gốc, bảo đảm mức dư nợ không vượt quá giới hạn dư nợ của địa phương theo quy định.

Trường hợp các khoản vay nước ngoài Chính phủ vay về cho địa phương vay lại hoặc các khoản vay khác có điều kiện ràng buộc về mục tiêu sử dụng, địa phương phải chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương hoặc các đơn vị có liên quan hoàn thiện các thủ tục ký kết các thỏa thuận vay để có đủ cơ sở bố trí kế hoạch giải ngân vốn vay trong dự toán năm 2018, dự kiến khả năng giải ngân của từng khoản vay để xây dựng kế hoạch vay nợ và bội chi NSĐP cho phù hợp.

Trường hợp địa phương có kế hoạch vay để trả nợ gốc (địa phương không có bội chi hoặc số vay lớn hơn số bội chi), nhưng thực tế khoản vay mới có ràng buộc về mục đích sử dụng, thì địa phương phải lập kế hoạch giảm chi đầu tư phát triển tương ứng và/hoặc sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP để trả nợ gốc đến hạn trong năm 2018 và dùng nguồn vay mới để bù vào cho chi đầu tư phát triển.

Trường hợp tổng hợp kế hoạch giải ngân nguồn vay nước ngoài Chính phủ vay về cho địa phương vay lại theo các thỏa thuận vay đã ký làm cho số dư nợ của NSĐP cao hơn giới hạn theo quy định, thì địa phương phải có kế hoạch bố trí tăng chi trả nợ gốc các khoản nợ khác để đảm bảo giải ngân vốn nước ngoài theo các thỏa thuận đã ký, đồng thời đảm bảo mức bội chi NSĐP, tổng mức vay của NSĐP và dư nợ của NSĐP trong giới hạn theo quy định.

Các địa phương chủ động bố trí chi trả nợ gốc từ các nguồn theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo trả nợ đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là các khoản vay nước ngoài Chính phủ vay về cho địa phương vay lại, đồng thời đảm bảo dư nợ NSĐP trong giới hạn theo quy định; kèm theo thuyết minh số chi trả nợ gốc chi tiết theo nguồn vốn vay quy định tại điểm h khoản 2 Điều này (nếu có) và nguồn chi trả, như: vay mới trả nợ cũ, từ nguồn bội thu, tăng thu, tiết kiệm chi NSĐP.