Nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020


Thực hiện Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành, giảm yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo lộ trình, từ ngày 1/7/2020, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở.

Theo đó, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu trong điều hành, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành, giảm yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Các tỉnh, thành thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2020, bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2020 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị.

Tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2019 còn dư chuyển sang (nếu có).

Đồng thời, các địa phương phải dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so với dự toán năm 2019, 50% nguồn tăng thu dự toán năm 2020 của ngân sách địa phương so với dự toán năm 2019, 50% phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương năm 2020 để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021 - 2025.

Các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật...