Quy định mới về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công
Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công được quy định tại Điều 4 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại xử lý tài sản công nhằm hướng dẫn triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14.
Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương có trách nhiệm lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; UBND cấp tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, doanh nghiệp thuộc tỉnh lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương; UBND cấp tỉnh có nhà, đất trên địa bàn địa phương khác lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý,
Theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, sẽ có 7 phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công, đó là:
Đối với hình thức “giữ lại tiếp tục sử dụng”
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương ban hành Quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất có trách nhiệm: Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất; Bố trí sử dụng nhà, đất đúng mục đích phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, phù hợp tiêu chuẩn, định mức…
Đối với hình thức “thu hồi”
Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể là: Nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi đã được Nhà nước giao trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp khác hoặc được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại địa điểm mới; Nhà, đất đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ; Nhà đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại nhà, đất cho Nhà nước …
Đồng thời, quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý. Nội dung Quyết định thu hồi, trình tự, thủ tục bàn giao, tiếp nhận và xử lý nhà, đất thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Đối với hình thức “điều chuyển”
Việc điều chuyển nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được áp dụng trong các trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Thẩm quyền quyết định điều chuyển nhà, đất giữa các bộ, cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa phương thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nội dung Quyết định điều chuyển, trình tự, thủ tục bàn giao, tiếp nhận tài sản điều chuyển thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Đối với hình thức “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”
Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được thực hiện trong các trường hợp sau: Nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại; Tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án và ban hành quyết định việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỷ đồng trở lên theo hình thức đấu giá; Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức chỉ định thuộc một trong các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý theo hình thức đấu giá, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Việc tổ chức bán đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá và quy định tại Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Việc xử lý nhà, đất trong trường hợp đấu giá không thành thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Đối với hình thức “chuyển mục đích sử dụng đất”
Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định hình thức chuyển mục đích sử dụng đất chỉ áp dụng đối với nhà, đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng. Việc chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Riêng việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.
Trong trường hợp doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án đầu tư khi chuyển mục đích sử dụng đất, việc lựa chọn nhà đầu tư để liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Căn cứ phương án phê duyệt của Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý), UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Doanh nghiệp được phép chuyển mục đích sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và pháp luật về quản lý thuế.
Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần cho cả thời hạn thuê khi chuyển mục đích sử dụng đất được nộp vào ngân sách trung ương (đối với nhà, đất do doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý), nộp vào ngân sách địa phương (đối với nhà, đất do doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đối với hình thức “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý”
Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc chuyển giao trong các trường hợp: Nhà, đất đã bố trí làm nhà ở trước ngày 19/01/2007 mà đáp ứng đủ các điều kiện: Có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên, có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền, không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan xung quanh mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng; Và các trường hợp khác cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng.
Thẩm quyền quyết định chuyển giao nhà, đất từ các bộ, cơ quan trung ương về địa phương quản lý thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định chuyển giao, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản.
Đối với hình thức “tạm giữ lại tiếp tục sử dụng”
Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định hình thức tạm giữ lại tiếp tục sử dụng được áp dụng trong 2 trường hợp: Nhà, đất sử dụng chưa đúng quy định (cho mượn, cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết, bố trí nhà ở,…); Nhà, đất thuộc quy hoạch phải thu hồi để thực hiện dự án nhưng nhưng chưa phải bàn giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được Bộ Tài chính phê duyệt, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý: Chấm dứt việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định; Sau khi chấm dứt, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định; Và Quản lý, sử dụng theo quy định và thực hiện bàn giao cho cơ quan chức năng theo Quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền đối với nhà, đất thuộc quy hoạch phải thu hồi.