Quy định về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu

PV.

Nhằm tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ, nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, mới đây, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BCT ngày 30/10/2018, quy định cụ thể về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 14/12/2018.

Thông tư số 39/2018/TT-BCT được kỳ vọng sẽ giảm tình trạng gian lận thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Nguồn: Internet
Thông tư số 39/2018/TT-BCT được kỳ vọng sẽ giảm tình trạng gian lận thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Nguồn: Internet

Thông tư quy định việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trước và sau khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nước nhập khẩu và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của thương nhân,  áp dụng đối với cơ quan, tổ chức cấp C/O; Cơ quan, tổ chức cấp văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Cơ quan, tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Thương nhân, bao gồm thương nhân đề nghị cấp C/O, thương nhân tham gia cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thương nhân phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nước nhập khẩu, nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa xuất khẩu hoặc nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu; Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa được thực hiện theo 2 phương thức, đó là: Kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; và Kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất.

Việc kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra xuất xứ hàng hóa; Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa; Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa.

Về nội dung kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp hoặc đã phát hành, Thông tư nêu rõ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước rà soát hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan, tổ chức cấp C/O lưu trữ hoặc do thương nhân lưu trữ và yêu cầu thương nhân cung cấp chứng từ, tài liệu liên quan để xác thực nội dung sau: thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cấp C/O, quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp C/O; tính đầy đủ, hợp lệ trong việc kê khai, cam kết xuất xứ hàng hóa của thương nhân xuất khẩu, nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa xuất khẩu hoặc nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa...

Liên quan đến kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất,Thông tư quy định hoạt động này được thực hiện trong các trường hợp cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất khi kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nêu tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này chưa đủ căn cứ để xác định xuất xứ hàng hóa hoặc khi có lý do nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp: trước khi cấp C/O; Trước khi cấp văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc cấp mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Sau khi đã cấp hoặc đã phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Cũng theo Thông tư, kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất nhằm thu thập và xác thực các nội dung sau: Tình trạng hoạt động của thương nhân bao gồm thương nhân đang hoạt động, tạm ngừng kinh doanh, chuyển quyền sở hữu, giải thể hay phá sản theo quy định của pháp luật; Sự tồn tại của cơ sở sản xuất, trụ sở văn phòng phù hợp với thông tin đăng ký hồ sơ thương nhân; Hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường nhập khẩu nguyên liệu, thị trường xuất khẩu hàng hóa trước thời điểm kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa; Năng lực sản xuất, tình trạng máy móc, địa điểm lưu kho, nhân công; Thông tin về hàng hóa, nguyên liệu, nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp hàng hóa xuất khẩu hoặc nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Bộ Công Thương yêu cầu thương nhân phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước, cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; Liên hệ với nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa xuất khẩu hoặc nguyên liệu có xuất xứ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhằm phục vụ công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trong trường hợp thương nhân không phải là nhà sản xuất, nhà cung cấp trực tiếp hàng hóa hay nguyên liệu đó;
Đồng thời, giải trình, cung cấp, bổ sung đúng thời hạn hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu liên quan phục vụ công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, xác thực của văn bản giải trình, hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu liên quan phục vụ công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa; Lưu trữ, giữ bí mật, cung cấp hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu liên quan phục vụ công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.
Thông tư số 39/2018/TT-BCT được kỳ vọng sẽ giảm tình trạng gian lận thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng. Việc xác định đúng xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, chống gian lận về xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, giả mạo chứng nhận xuất xứ, khai báo sai về xuất xứ, qua đó, tạo thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài thông qua việc kiểm tra xuất xứ hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh chóng, thủ tục đơn giản và thống nhất.