Quy định về kinh phí thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng

PV.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 91/2018/TT-BTC hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu áp dụng với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 18/12/2018.

Chi đầu tư xây dựng các cơ sở thử nghiệm chuyên ngành thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Nguồn: Internet
Chi đầu tư xây dựng các cơ sở thử nghiệm chuyên ngành thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Nguồn: Internet

Theo đó, kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn: Ngân sách nhà nước (chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn; Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu; Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đối với nội dung liên quan đến chi và mức chi từ nguồn chi thường xuyên, Thông tư nêu rõ, các tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi về danh mục, phương tiện, thiết bị, lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Đối với đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề thực hiện kiểm tra, thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng gồm các nội dung: Chi biên soạn chương trình; giáo trình, tài liệu đào tạo về dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo Thông tư số 76/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Chi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật thực hiện kiểm tra, thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng áp dụng theo Thông tư số 36/2018/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Chi khảo sát, đánh giá chuyển đổi thị trường hiệu suất năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp: Áp dụng theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra, thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.

Chi mua sắm, thuê trang thiết bị để thực hiện kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo lộ trình theo Thông tư số 92/2017/TT-BTC quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.

Chi mua số liệu khảo sát, mua mẫu thực hiện kiểm tra hậu kiểm đối với các sản phẩm dán nhãn năng lượng trên thị trường, mức chi theo quy định hiện hành, hợp đồng thỏa thuận, giá cả phù hợp với thị trường.

Về nội dung chi và mức chi từ nguồn chi đầu tư phát triển: Chi đầu tư xây dựng các cơ sở thử nghiệm chuyên ngành thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.