Sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi

PV.

Ngày 28/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 314/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều tại Nghị định 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đó, kể từ ngày 15/01/2017, các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước;  các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính có liên quan đến công tác quản lý ngân quỹ Nhà nước (NQNN), bao gồm: Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại; Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN) là đối tượng áp dụng tại Thông tư này.

Thông tư quy định rõ một trong những biện pháp sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi là gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại. Kho bạc Nhà nước thực hiện gửi có kỳ hạn các khoản NQNN tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.

Việc gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại được thực hiện theo hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn giữa Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại, phù hợp với các quy định của pháp luật; trong đó, nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên và các nội dung khác có liên quan đến khoản tiền gửi có kỳ hạn.

Mức gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại không vượt quá hạn mức gửi tiền có kỳ hạn được quy định. Thời hạn gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại tối đa không quá 03 tháng, kể từ ngày Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển tiền để thực hiện giao dịch.

Bên cạnh đó, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi cũng có thể được sử dụng để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ. Kho bạc Nhà nước được thực hiện giao dịch mua lại có kỳ hạn đối với các loại trái phiếu Chính phủ và tín phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

Hình thức giao dịch: Thỏa thuận điện tử hoặc thỏa thuận thông thường. Kỳ hạn mua lại trái phiếu Chính phủ tối đa không quá 03 tháng, kể từ ngày Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển tiền để thực hiện giao dịch.

Về việc xử lý ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt, Thông tư 314/2016/TT-BTC nêu rõ, biện pháp xử lý ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt là phát hành tín phiếu kho bạc.

Căn cứ tình hình thu, chi, tồn NQNN và tình hình thị trường, Kho bạc Nhà nước xác định thời điểm và số lượng phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt cho phù hợp. Số lượng phát hành tối đa không vượt quá hạn mức phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt đã được Bộ Tài chính phê duyệt tại phương án điều hành NQNN.

Thời hạn phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt tối đa không quá 03 tháng, kể từ ngày phát hành.

Kho bạc Nhà nước bố trí nguồn để hoàn trả đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi và các khoản phí (nếu có) liên quan đến việc phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt.

Ngoài ra một biện pháp khác để xử lý ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt là thu hồi trước hạn tiền gửi có kỳ hạn.

Căn cứ tình hình thu, chi, tồn NQNN và hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn giữa Kho bạc Nhà nước với ngân hàng thương mại, KBNN phối hợp với ngân hàng thương mại nơi gửi tiền thực hiện thu hồi trước hạn các khoản NQNN đang gửi có kỳ hạn để bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt.

Số lượng và lãi suất tiền gửi rút trước hạn được thực hiện theo hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn giữa Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại.

Về hạn mức tạm ứng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho NSNN được Thông tư quy định cụ thể:

Một là, đối với ngân sách trung ương: Căn cứ khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi và dư nợ tạm ứng NQNN cho ngân sách trung ương hiện tại, KBNN xác định hạn mức tạm ứng NQNN cho ngân sách trung ương cho phù hợp, tối đa không vượt quá khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi trong quý.

Hai là, đối với ngân sách cấp tỉnh: Hạn mức tạm ứng NQNN cho ngân sách cấp tỉnh tối đa không vượt quá 10% khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi trong quý; trong đó, đối với từng ngân sách cấp tỉnh đảm bảo tổng số dư nợ tạm ứng NQNN và các khoản dư nợ vay khác của ngân sách cấp tỉnh đó không vượt quá mức dư nợ vay tối đa theo quy định của Luật NSNN.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định hạn mức sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tối đa không vượt quá 50% khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi trong quý.

Trong đó, hạn mức sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tối đa không vượt quá 10% khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi trong quý.

Thông tư 314/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/04/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước: dự báo luồng tiền; sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi (không bao gồm việc tạm ứng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh); biện pháp xử lý NQNN tạm thời thiếu hụt; quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN; trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị trong quản lý NQNN.