Sửa Luật Giáo dục và câu chuyện tài chính

Theo Phương Hiền/baochinhphu.vn

Nhằm góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Đại học Luật TPHCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học tập hợp tham vấn từ giới chuyên gia pháp lý và các nhà giáo dục. Trong đó, có rất nhiều tâm huyết nhằm xây dựng nền tảng tài chính bền vững cho sự nghiệp trồng người.

NSNN là nguồn lực có hạn trong khi đòi hỏi đầu tư cho giáo dục lại không ngừng tăng lên.
NSNN là nguồn lực có hạn trong khi đòi hỏi đầu tư cho giáo dục lại không ngừng tăng lên.

Từ năm 2004, Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội đã yêu cầu ngân sách chi cho giáo dục - đào tạo đảm bảo đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm. Phải nói rằng đây là tỷ lệ không nhỏ so với thông lệ trên thế giới.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Vân - Trưởng khoa Luật Thương mại (Đại học Luật TPHCM) - để “đong đếm” được con số này là không dễ. Bởi tại các Bảng dự toán NSNN, chi cho giáo dục được chia vào hai mảng chính là Chi đầu tư phát triển và Chi thường xuyên. 

“Các tính toán của tôi cho thấy phần này chiếm khoảng 14-15% chi NSNN hàng năm. Riêng số 5% còn lại ‘chìm’ trong Chi đầu tư. Và ở hạng mục này, không có sự phân biệt cụ thể chi cho giáo dục hay chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, tổng quan là khó có dữ liệu chính xác về nhiệm vụ chi 20% NSNN cho giáo dục như Quốc hội đã quyết nghị”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Vân, điều này khiến cho việc xác định tổng chi NSNN cho giáo dục không thống nhất cả trong dự toán lẫn quyết toán. Do đó, tuy Chương về Đầu tư và tài chính cho giáo dục ở Dự thảo lần này đã hệ thống hóa tất cả các yếu tố có liên quan - vốn trước đây nằm rải rác trong nhiều quy định khác nhau - được xem là cách làm hay nhưng còn khó áp dụng.

“Muốn thực hiện chuẩn xác con số ấy phải sửa đồng bộ Luật phí và lệ phí, Luật Kế toán, Luật Đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước”, vị chuyên gia nêu kiến nghị đồng thời tin rằng đây là con số rất quan trọng cần được minh bạch hóa hơn nữa để nhận được đồng thuận cao của xã hội với các chính sách giáo dục.

Xã hội hóa giáo dục: Cụ thể hóa để tránh “lách luật”

NSNN là nguồn lực có hạn trong khi đòi hỏi đầu tư cho giáo dục lại không ngừng tăng lên. Vì vậy, song song với “bầu sữa” ngân sách, chủ trương xã hội hóa giáo dục là lựa chọn không chỉ của riêng Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, dù Luật Giáo dục hiện hành tuyên bố “mở” nhưng các luật chuyên ngành khác về tài chính, đất đai, tín dụng, thuế... vẫn chưa tương thích với chính sách xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, “trói chân” nhà đầu tư, chưa đủ hấp dẫn các nguồn lực xã hội. Nhiều quy định về bảo hộ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng còn chung chung... Thực tế đó khiến hiện tượng đánh tráo khái niệm, cố ý hiểu sai hoặc lợi dụng chính sách xã hội  hóa giáo dục để dạy thêm, lạm thu trong các nhà trường là không hiếm thấy.

Vì vậy, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung cho Dự thảo Luật giáo dục liên quan tới chủ trương xã hội hóa đã nhận được sự đồng thuận lớn.

Điển hình như quy định “Không được lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật” để tránh hiện tượng lạm thu nhân danh xã hội hóa giáo dục; bổ sung các ưu đãi thu hút đầu tư đối với trường dân lập, tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài; ưu đãi thuế và tín dụng với trường dân lập, tư thục được Nhà nước giao/cho thuê đất, cơ sở vật chất, hoặc thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. Cơ sở giáo dục ngoài công lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần lợi nhuận không chia để tái đầu tư phát triển…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để thu hút nguồn nhân lực tốt đến với sự nghiệp giáo dục, nhất thiết phải cải cách thu nhập cho những người đứng trên bục giảng bằng cơ chế điều tiết của thị trường. Và điều này lại gắn chặt với tạo thuận lợi cho xã hội hóa giáo dục -  khi các trường ngoài công lập phát triển mạnh thì sức ép cạnh tranh và động lực tiền lương sẽ là lực hấp dẫn để nâng cấp nguồn nhân lực hiện hữu cũng như thu hút nhân lực chất lượng cao.

Ông Phan Ngọc Liêm, lãnh đạo một hệ thống trường tại TPHCM - đúc kết ngắn gọn: “Có những trường ngoài công lập, giáo viên giỏi mới ra trường nhận được 20-30 triệu đồng/tháng là bình thường. Như vậy mấu chốt là giải quyết được bài toán thu nhập cho giáo viên thì sẽ có đủ người tài cho ngành sư phạm”.

Tương tự, trao cho các trường đại học quyền tự chủ - trong đó có tự chủ tài chính - cũng sẽ giúp hình thành “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.