Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thí điểm BHNN

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

Với mục tiêu tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, mở rộng hơn nữa quyền lợi của người sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm, đảm bảo thực hiện thành công Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 (Quyết định 315/QĐ-TTg), ngày 24/8/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2114/QĐ-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Quyết định 2114/QĐ-BTC). Quyết định 2114/QĐ-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/8/2012.

Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thí điểm BHNN

Theo Quyết định, trên cơ sở tình hình thực tế triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đồng thời cũng thống nhất với quy định tại Thông tư 47/2011/TT- BNNPTNT và Thông tư 43/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định 2114/QĐ-BTC bổ sung vịt vào đối tượng bảo hiểm vật nuôi và bỏ quy định cá basa thuộc đối tượng bảo hiểm tôm/cá.

Về rủi ro được bảo hiểm đối với cây lúa, vật nuôi, thủy sản, trên cơ sở đề nghị của địa phương, căn cứ tình hình thực tế triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đồng thời cũng thống nhất với quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định 2114/QĐ-BTC bổ sung một số rủi ro được bảo hiểm đối với cây lúa, vật nuôi, thuỷ sản. Ví dụ : bổ sung rủi ro thiên tai được bảo hiểm (giông, lốc xoáy); bổ sung rủi ro dịch bệnh được bảo hiểm đối với trâu, bò (tụ huyết trùng, nhiệt thán), lợn (đóng dấu, phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả), gà, vịt (bệnh Niu-cát-xơn, gumboro và dịch tả - vịt) …

Đối với  hồ sơ bồi thường bảo hiểm cây lúa, vật nuôi, tôm/cá, để đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện giải quyết bồi thường nhanh chóng, chính xác cho người được bảo hiểm đồng thời cũng thống nhất với quy định về công bố thiên tai, dịch bệnh; xác nhận dịch bệnh; xác nhận thiệt hại quy định tại Thông tư 43/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định 2114/QĐ-BTC bổ sung và quy định rõ hơn các hồ sơ, tài liệu mà doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập khi xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm cây lúa, vật nuôi, tôm/cá.

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể khác như năng suất được bảo hiểm cây lúa; Điều kiện bồi thường chi phí gieo trồng lại; Tỷ lệ phí bảo hiểm cây lúa được quy định tại quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm cây lúa, cụ thể:

Cục trưởng Cục Quản lý & Giám sát bảo hiểm Trịnh Thanh Hoan: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình triển khai, trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nhằm điều chỉnh quy tắc, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm cây lúa, vật nuôi, thủy sản cho phù hợp với thực tiễn.

Thứ nhất, về mở rộng đơn vị được bảo hiểm, mở rộng đơn vị được bảo hiểm: Đơn vị được bảo hiểm là các xã được các tỉnh lựa chọn tham gia thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg. Trong trường hợp địa phương có số liệu thống kê về năng suất thực tế theo địa bàn thôn hoặc hợp tác xã được công bố bởi cơ quan cung cấp số liệu về năng suất thực tế, đơn vị bảo hiểm là thôn hoặc hợp tác xã (thay vì chỉ quy định đơn vị bảo hiểm là các xã được các tỉnh lựa chọn tham gia thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg). Với quy định mới này, bồi thường bảo hiểm sẽ được chi trả ngay cả trong trường hợp năng suất thực tế thấp hơn năng suất được bảo hiểm tại thôn hoặc hợp tác xã được bảo hiểm trong trường hợp có số liệu thống kê theo quy định.

Thứ hai, về năng suất được bảo hiểm cây lúa, trên cơ sở số liệu thống kê và thực tế triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại các địa phương đã triển khai bảo hiểm cây lúa, Quyết định 2114/QĐ-BTC đã nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với cây lúa lên 90% năng suất bình quân xã hoặc của đơn vị được bảo hiểm và áp dụng cho tất cả các địa phương triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa (thay cho mức 80% quy định tại Quyết định 3035/QĐ-BTC). Quy định mới này sẽ tăng thêm quyền lợi cho người được bảo hiểm khi xảy ra thiệt hại về cây lúa do thiên tai, dịch bệnh gây ra và thuộc phạm vi bảo hiểm.

Thứ ba, về điều kiện bồi thường chi phí gieo trồng lại, theo quy định tại Quyết định 3035/QĐ-BTC, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường chi phí gieo trồng lại trong trường hợp trên 20% diện tích lúa thực tế trong xã bị thiệt hại trong thời gian cấy/sạ gây ra bởi các rủi ro được bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, thực tế triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho thấy, đối với một số địa phương có diện tích lúa lớn thì 20% diện tích lúa bị thiệt hại trong xã bị thiệt hại trong thời gian cấy/sạ cũng là số lượng rất lớn, có thể bằng diện tích của cả xã thuộc địa phương khác.

Để tăng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, phù hợp với thực tiễn cũng như kiến nghị của một số địa phương, Quyết định 2114/QĐ-BTC quy định: Chi phí gieo trồng lại trong trường hợp trên 5 ha lúa thực tế trong xã bị thiệt hại trong thời gian cấy/sạ gây ra bởi các rủi ro được bảo hiểm quy định trong quy tắc.

Thứ tư,  về tỷ lệ phí bảo hiểm cây lúa, điều chỉnh giảm 5% phí bảo hiểm cho tất cả các tỉnh và áp dụng tỷ lệ phí tương đồng đối với 3 miền Bắc, Trung, Nam, cụ thể như sau:  Miền Bắc: Nam Định, Thái Bình: 4,97%; Miền Trung: Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh: 4,53%; Miền Nam: An Giang, Đồng Tháp: 2,19%.

Mức tỷ lệ phí đã  được xây dựng trên cơ sở số liệu thống kê, có xem xét đến mức độ rủi ro của các địa phương và thực tế triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại các địa phương đã triển khai bảo hiểm cây lúa.

Tại Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm vật nuôi cũng quy định một số nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể khác như: Bỏ quy định về điều kiện số lượng vật nuôi tham gia bảo hiểm nhằm tạo điều kiện cho tất cả hộ nông dân, cá nhân chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm được tham gia bảo hiểm nông nghiệp khi có nhu cầu; Bỏ quy định về mức miễn thường không khấu trừ đối với rủi ro dịch bệnh (10%) tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm khi xảy ra thiệt hại về vật nuôi do thiên tai, dịch bệnh gây ra và thuộc phạm vi bảo hiểm đều được xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm. Khác với trước đây (theo Quyết định 3035/QĐ-BTC), thiệt hại về vật nuôi do dịch bệnh gây ra phải trên mức 10% tổng đàn tính trên quy mô toàn xã (đối với trường hợp chăn nuôi cá lẻ) và trên mức 10% số lượng vật nuôi được bảo hiểm cho mỗi hợp đồng bảo hiểm (đối với trường hợp chăn nuôi trang trại) mới được xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm;

Liên quan đến số tiền bảo hiểm đối với bò sữa được quy định tại Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm vật nuôi, trên cơ sở đề nghị của địa phương, căn cứ tình hình biến động giá, Quyết định 2114/QĐ-BTC quy định số tiền bảo hiểm đối với bò sữa là 60 triệu đồng thay cho mức 35 triệu đồng theo Quyết định 3035/QĐ-BTC; Về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền hướng dẫn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; Về tỷ lệ phí bảo hiểm vật nuôi, điều chỉnh giảm phí bảo hiểm đối với tất cả các vật nuôi trên cơ sở số liệu thống kê và thực tế triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại các địa phương đã triển khai bảo hiểm vật nuôi, cụ thể như sau: Trâu, bò: 3,6%/năm; Lợn nái, lợn đực giống: 4%/năm;  Lợn thịt: 2,5%/chu kỳ nuôi; Gà thịt, vịt thịt: 3%/chu kỳ nuôi; Gà đẻ, vịt đẻ: 4%/năm.

Ngoài ra, tại Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm tôm/cá cũng qyu định một số nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể khác như điều kiện tham gia bảo hiểm tôm cá, theo đó mở rộng điều kiện tham gia bảo hiểm tôm/cá: Khuyến khích người được bảo hiểm tham gia bảo hiểm toàn bộ các cơ sở nuôi trồng thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình trên cùng một địa bàn xã; người được bảo hiểm có thể lựa chọn tham gia một hoặc một số cơ sở nuôi trồng. Với quy định mới này, các hộ nông dân, cá nhân nuôi trồng tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra được tham gia bảo hiểm nông nghiệp tùy theo nhu cầu của mình.