Thận trọng, linh hoạt và chủ động trong công tác điều hành giá

PV.

Trong cả giai đoạn 2016-2020, chỉ số giá tiêu dùng đã ổn định ở mức dưới 4% trong phạm vi lạm phát mục tiêu Quốc hội quyết định. Trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo, Cục Quản lý giá tiếp tục xây dựng và lên kịch bản điều hành giá bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá

Trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người dân, tại một số thời điểm, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... bị đẩy giá lên cao.

Từ những diễn biến trên, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp các bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp tăng cường bình ổn giá, nhất là các mặt hàng do Nhà nước định giá (xăng dầu, điện, dịch vụ hàng không,...), đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá trong các hoạt động kê khai, tham vấn giá, xử lý các sai phạm trong quản lý, điều hành giá.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực tổ chức theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng hóa; giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp nhằm kiểm soát tốt mặt bằng giá cả, kiểm soát việc tăng giá đột biến, bất hợp lý; tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nhờ đó, sau khi tăng mạnh trong quý I/2020, thì từ tháng 4/2020 trở đi, chỉ số CPI đã giảm dần và đến nay được kiểm soát ở mức 3,23%, trong phạm vi Quốc hội quyết định (dưới 4%).

Trong cả giai đoạn 2016-2020, chỉ số giá tiêu dùng đã ổn định ở mức dưới 4% trong phạm vi lạm phát mục tiêu Quốc hội quyết định.

Kết quả, trong cả giai đoạn 2016-2020, chỉ số giá tiêu dùng đã ổn định ở mức dưới 4% trong phạm vi lạm phát mục tiêu Quốc hội quyết định.

Cụ thể, CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66%; CPI năm 2017 tăng 3,53%; CPI năm 2018 tăng 3,54%; CPI năm 2019 tăng 2,79%; CPI năm 2020 tăng 3,23%.

Linh hoạt, chủ động trong điều hành giá năm 2021

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, để dự báo các yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong năm 2021, Cục Quản lý giá đã xây dựng và lên kịch bản điều hành giá bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% Quốc hội đề ra. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công và hàng hóa quan trọng thiết yếu.

Cục Quản lý giá cũng sẽ tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh và hàng hóa có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau Tết.

Cụ thể, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, trong đó, tập trung triển khai một số biện pháp chung sau:

Một là, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào dịp Lễ, Tết để hạn chế tăng giá ngay từ đầu năm 2021.

Hai là, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ba là, chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả thị trường để kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá cả cho phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.