Thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế


Kể từ ngày 15/11/2020, các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ được thực hiện theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, các hình thức xử phạt chính đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế là cảnh cáo và phạt tiền. Bên cạnh đó, Nghị định đã đưa ra các hình thức xử phạt bổ sung.

Việc áp dụng một hay nhiều hình phạt bổ sung sẽ căn cứ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính. Trong đó, có 04 hình thức xử phạt bổ sung, gồm:

Một là, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1-24 tháng đối với các loại phép sau: giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III; giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; giấy phép kinh doanh rượu, bia; giấy phép hoạt động Ngân hàng mô; chứng chỉ hành nghề dược; chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Hai là, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ba là, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-24 tháng.

Bốn là, áp dụng hình phạt trục xuất.

Nghị định cũng quy định rõ, ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS, mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. 

Đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế mức phạt tiền tối đa là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức

Theo Nghị định, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.

Đối với một trong các hành vi không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch... sẽ bị xử phạt tiền từ 30-40 triệu đồng

Như vậy, bên cạnh các công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung thêm nhiều chế tài nhằm khắc phục những lỗ hổng trong cơ chế kiểm tra, kiểm soát, thanh tra các cơ sở y tế.