Trách nhiệm của người nộp thuế đã được xóa nợ quy định thế nào?


Nhằm đảm bảo chặt chẽ trong việc thực hiện xóa nợ đọng thuế, tránh việc người nộp thuế chây ỳ để được xóa nợ thuế gây thất thu ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế sửa đổi đã quy định rõ trách nhiệm của người nộp thuế đã được xóa nợ.

Với những khoản nợ xấu thuế tồn đọng, nếu không xóa mà treo nợ thì chi phí quản lý sẽ ngày càng lớn hơn. Nguồn: Internet.
Với những khoản nợ xấu thuế tồn đọng, nếu không xóa mà treo nợ thì chi phí quản lý sẽ ngày càng lớn hơn. Nguồn: Internet.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện tổng số nợ chuyên thu quá hạn (tính đến 30/6/2019) là 5.468,83 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là 3.880,9 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện thu hồi nợ thuế tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố, quá trình xác minh thông tin tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, nhiều trường hợp khi có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký và ngừng hoạt động. Lúc này, cơ quan Hải quan phải chuyển nợ của doanh nghiệp từ nhóm nợ có khả năng thu sang nhóm nợ khó thu.

Đối với các khoản nợ đã quá 10 năm, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi về tổng cục xem xét xóa nợ đối với khoản nợ đã quá 10 năm đủ điều kiện xóa nợ theo quy định tại Khoản 20 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13.

Số nợ thuế của ngành Hải quan hiện nay chủ yếu còn tồn từ thời điểm 1/7/2013 trở về trước, đây là thời điểm doanh nghiệp được nợ thuế mà không cần bất cứ điều kiện gì. Lợi dụng chính sách này, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu hàng hóa rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh...

Còn đối với Tổng cục Thuế, báo cáo mới nhất cho thấy số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) tính đến hết tháng 7/2019 là 39.010 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,9% tổng tiền nợ thuế, tăng 11,4% (tương đương 3.992 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018, và tăng 0,3% so với thời điểm 30/6/2019. Giới chuyên gia cho rằng, với những khoản nợ xấu thuế kể trên, nếu không xóa mà treo nợ thì chi phí quản lý sẽ ngày càng lớn hơn. 

Trước tình hình đó, Luật Quản lý thuế sửa đổi số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 có bổ sung điều khoản quy định xóa nợ thuế. Cụ thể, tại Điều 85 của Luật Quản lý thuế sửa đổi số 38 quy định các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Trong đó, việc xóa nợ không còn khả năng thu vào ngân sách được kỳ vọng giúp giảm chi phí cho nhà nước, không mất chi phí, vật lực, nhân lực tham gia theo dõi, quản lý những khoản nợ không còn đối tượng để thu; Giúp cơ quan Thuế, Hải quan có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc quản lý và đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách.

Theo Luật quy định, các trường hợp được xóa nợ bao gồm: 

Một là, doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; 

Hai là, cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ; 

Ba là, các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không còn khả năng thu hồi; 

Bốn là, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất, kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ trong việc thực hiện xóa nợ đọng thuế, tránh người nộp thuế chây ỳ để được xóa nợ gây thất thu ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế sửa đổi đã quy định rõ trách nhiệm của người nộp thuế đã được xóa nợ, và trách nhiệm của các cơ quan giải quyết hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Cụ thể, trường hợp, người nộp thuế xóa nợ thuế muốn quay lại kinh doanh thì trước đó hoặc khi thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới, người nộp thuế phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xoá. Các cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương phải bảo đảm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải được hoàn trả vào ngân sách nhà nước trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời, trường hợp người nộp thuế thuộc diện đang bị cưỡng chế thuế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Về phía các cơ quan, người có thẩm quyền đã nhận hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải thông báo cho cơ quan gửi hồ sơ để hoàn chỉnh khi hồ sơ chưa đầy đủ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;  Người có thẩm quyền phải ra quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt hoặc thông báo không thuộc diện được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho cơ quan đã gửi hồ sơ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.