Cổ phiếu “vua” sẽ dẫn dắt VN-Index về vùng đỉnh 1.538 điểm trong tháng 4/2022?

Thủy Nguyễn

Trải qua nhiều biến động đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến vào đà phục hồi, tiến sát vùng đỉnh cũ. Động lực tăng trưởng thị trường tháng 4 được cho là đến từ nhóm Ngân hàng, Bán lẻ, Dịch vụ cảng biển, Hóa chất… Vùng hỗ trợ 1.500 sẽ là điểm để “canh mua” gia tăng cổ phiếu tiềm năng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vượt biến động, trở lại vùng đỉnh cũ

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đi qua tháng 3 và quý đầu tiên của năm 2022 với nhiều tác động của các tin tức quốc tế và trong nước. Căng thẳng địa chính trị và lạm phát đã trực tiếp ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường chao đảo, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ sau đó, khi nhà đầu tư đã dần vững tâm lý trở lại. Nhịp biến động ngắn hạn trên thị trường nhanh chóng được cân bằng, giúp thị trường duy trì mức điểm số so với thời điểm cuối năm 2021.

Khi động thái tăng lãi suất lần đầu kể từ 2018 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và xung đột tại Ukraine đã phần nào phản ánh vào giá, thị trường bắt đầu dần đi vào ổn định. Lúc này, nhà đầu tư đẩy mạnh giao dịch trở lại.

Kết thúc quý I/2022, chỉ số VN-Index gần như không thay đổi với mức giảm nhẹ 0,4% so với thời điểm cuối năm 2021. Chỉ số VN30 và chỉ số VNMidcap giảm tương ứng 1,77% và 1,56%; trong đó lợi thế còn nghiêng về nhóm vốn hóa thấp với mức tăng 1,85% của chỉ số VNSmallcap. Qúy đầu tiên của năm 2022 là một quý khá khó khăn cho thị trường cổ phiếu.

Tuy nhiên, nếu so sánh với một số chỉ số đại diện các thị trường chứng khoán thế giới như S&P 500 (Mỹ), MSCI Asia Pacific (Châu Á) và STOXX 600 (Châu Âu) thì nhìn chung thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy sự vượt trội đáng ghi nhận.

Bước sang những ngày đầu quý II, thị trường rung lắc nhẹ khi đón nhận những tin tức nóng như chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam, để điều tra tội làm giá, thao túng thị trường, hay thông tin Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Những thông tin này thoáng có vẻ tiêu cực, thực tế lại được nhà đầu tư đánh giá cao và cho rằng đây là tin tốt, cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch Chứng khoán trong việc làm trong sạch thị trường.

Bên cạnh đó, tâm điểm của thị trường đang hướng đến kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch định hướng năm 2022 với nhiều triển vọng lạc quan khi nhiều ngành nghề tăng trưởng tốt, đi kèm yếu tố vĩ mô tích cực trong 3 tháng đầu năm.

Kỳ vọng “cổ phiếu vua”

Theo CTCP Chứng khoán VNDirect (VND), VN-Index có thể duy trì đà phục hồi và kiểm tra lại mức đỉnh lịch sử 1.538 điểm vào tháng 4. Nếu vượt đỉnh lịch sử, VN-Index có thể hướng tới vùng 1.560-1.570 điểm trong nửa cuối tháng 4. Trong đó, 1.480-1.500 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh.

Tương tự, SSI Research nhận định, VN-Index sẽ có động lực hướng lên thử thách lại vùng đỉnh cũ 1.537 điểm trong tháng 4 với thanh khoản tốt. Tốc độ tăng trưởng cao sẽ duy trì ở các nhóm ngành nhỏ như Dịch vụ cảng biển, Hóa chất, Thép và các sản phẩm từ thép, Dịch vụ tài chính, Bán lẻ và các nhóm ngành liên quan hoạt động xuất khẩu.

Với nhóm Ngân hàng, SSI cho rằng, đây sẽ là nhóm ngành cần chú ý trong tháng 4 sau khoảng thời gian dài giao dịch trầm lắng. Cụ thể, ngoại trừ CTG và VCB có thể có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021, nhìn chung các ngân hàng còn lại vẫn có thể đạt kết quả kinh doanh khả quan với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tương đối tích cực.

Tính cả năm 2022, dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngành có thể đạt khoảng 24% -25% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15% -35%.

Theo SSI, trong ngắn hạn, nhóm ngân hàng có thể nhận thêm lực đẩy từ yếu tố kỹ thuật nhờ lực mua từ quỹ VFM VNDiamond (10/18 cổ phiếu thuộc nhóm ngành Ngân hàng) sau khi chứng chỉ lưu ký của quỹ này đã thực hiện thành công IPO tại thị trường Thái Lan dưới tên gọi DR "DIAMOND ETF". Chứng chỉ lưu ký này bắt đầu được niêm yết và giao dịch từ ngày 31/3, được kỳ vọng có thể thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam.

Nhìn chung, việc công bố kết quả kinh doanh quý I cùng những thông tin về kế hoạch Đại hội đồng cổ đông và dòng tiền vào rổ VNDiamond có thể sẽ là những yếu tố hỗ trợ đáng kể cho diễn biến giá cổ phiếu của ngành ngân hàng và qua đó tác động tích cực lên thị trường chung trong ngắn hạn.

Về mặt định giá, P/E ước tính năm 2022 của Việt Nam đang chỉ ở mức 14,1 lần, thấp hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực. Dù vậy, thị trường sẽ không loại trừ các biến động ngắn hạn, bởi nhóm nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chi phối chính thị trường và rủi ro địa chính trị vẫn còn có thể xuất hiện những tác động khó lường.

Vì vây, nhà đầu tư không nên mua đuổi những mã cổ phiếu đã bật tăng cao khỏi nền mà nên giải ngân mua vào những mã cổ phiếu tiềm năng khi thị trường có nhịp điều chỉnh, về vùng hỗ trợ quanh 1.500 điểm.