Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):

Củng cố ngân sách nhà nước trong ba năm cải tạo XHCN và bước đầu phát triển kinh tế

Việt Hoàng (T/h)

Giai đoạn từ năm 1958-1960, thời kỳ đất nước bước đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa ( XHCN) ở miền Bắc, ngành Tài chính đã sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm kích thích việc cải tạo XHCN ở miền Bắc trên cả ba lĩnh vực nông, công, thương nghiệp; Đồng thời, tập trung xây dựng chế độ, chính sách quản lý các lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, tài chính ngân sách, tài chính xây dựng cơ bản...

Nhà làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại ATK (xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang)
Nhà làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại ATK (xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang)

Ngân sách nhà nước được củng cố và phát triển

Giai đoạn từ năm 1958-1960, miền Bắc bước vào thời kỳ thực hiện công cuộc cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, công thương nghiệp. Đây là giai đoạn phục vụ nhiệm vụ cải tạo XHCN và phát triển một bước kinh tế và văn hoá miền Bắc, đồng thời dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ đó, ngân sách nhà nước (NSNN) đã được tiếp tục củng cố và phát triển.

Tài chính thời kỳ này đặc biệt chú trọng đến việc sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm kích thích, hỗ trợ việc cải tạo XHCN trên mọi lĩnh vực nông, công, thương nghiệp; củng cố quan hệ sản xuất mới trên cơ sở giúp đỡ về mặt tài chính cho sản xuất phát triển, giải quyết hài hoà lợi ích của Nhà nước - tập thể - người lao động. Hình thành nền kinh tế với hai thành phần chủ yếu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể hình thành. Thu, chi ngân sách được cơ cấu lại, tỷ trọng nguồn thu trong nước cũng như tỷ trọng chi kiến thiết kinh tế và văn hoá, xã hội không ngừng tăng lên, mang đậm tính chất của một ngân sách xây dựng trong hoà bình.

Trong ba năm 1958-1960, nhờ những cố gắng về mọi mặt thực hiện thắng lợi kế hoạch cải tạo XHCN và phát triển kinh tế văn hoá nền sản xuất xã hội của miền Bắc với tốc độ nhanh. Bình quân hàng năm sản phẩm xã hội tăng 14,1% thu nhập quốc dân càng tăng với nhịp độ cao.

Trên cơ sở thu nhập quốc dân tăng và với các chính sách tài chính được hoàn thiện, bổ sung thêm, đã cố gắng tổ chức công tác động viên nguồn vốn trong nước, tranh thủ nguồn vốn ngoài nước nên thu NSNN tăng nhanh qua từng năm với tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mở đầu công cuộc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Mặc dù nguồn viện trợ của các nước anh em ngày càng nhiều, tỷ trọng số thu trong nước trong tổng số thu ngân sách vẫn tăng lên năm sau cao hơn năm trước, nhất là thu từ kinh tế quốc doanh . 

Nhịp độ tăng thu từ kinh tế quốc doanh, nhanh hơn nhiều so với nhịp độ tăng thu ngân sách nói chung, so với nhịp độ tăng nguồn thu trong nước nói riêng, đánh dấu bước chuyển biến rất cơ bản của nền tài chính. NSNN, kế hoạch cơ bản của tài chính Nhà nước, đã tạo được chỗ dựa vững chắc là nền kinh tế quốc dân phát triển, lại có cơ sở đảm bảo tính ổn định là khu vực kinh tế quốc doanh ngày càng lớn mạnh đóng góp tới trên 60% tổng số thu ngân sách hàng năm. Tình hình đó đã thể hiện tính đúng đắn của quan điểm tự lực, tự cường kết hợp tranh thủ và sử dụng có hiệu quả sự viện trợ của các nước anh em, của quan điểm gắn chặt cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế trong giai đoạn 1958-1960

Về chi ngân sách, cũng có sự tăng lên tương ứng với tốc độ tăng thu. Tốc độ tăng chi năm sau cao hơn năm trước một cách liên tục: năm 1958 tăng 11,7% so với năm 1957, năm 1959 tăng 26,4% so với năm 1960 tăng 27,9% so với năm 1959. 

Việc bố trí ngân sách đã đi theo hướng giảm dần chi cho khu vực không sản xuất, tập trung nhiều hơn trước cho phát triển kinh tế, văn hoá. Mặc dầu Nhà nước đã thực hiện việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương cho công nhân viên chức và lực lượng vũ trang, nhưng nhờ biện pháp tăng cường quản lý và tiết kiệm đã tiếp tục giảm chi cho quốc phòng từ 21,2% tổng số chi ngân sách năm 1957 xuống 16,6% năm 1960, giảm chi hành chính và các loại chi khác từ 17% năm 1957 xuống 14,8% năn 1960. Khoản chi cho phát triển kinh tế văn hoá chiếm xấp xỉ 70% tổng số chi ngân sách, về mặt tỷ trọng tăng 10% hơn giai đoạn1955 - 1957, đã đáp ứng đúng yêu cầu của kế hoạch ba năm 1958 - 1960.

Riêng chi cho phát triển kinh tế chiếm trung bình 55% tổng số chi ngân sách hàng năm trong đó số chi về xây dựng cơ bản chiếm vị trí cao nhất. Năm 1958 chi xây dựng cơ bản chiếm 35,3% tổng số chi ngân sách, năm 1959 là 43,8% và năm 1960 lên tới 50,6%, bảo đảm đạt khối lượng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước cho các ngành kinh tế quốc dân bình quân năm trong giai đoạn 1958-1960 bằng 223% của giai đoạn 1955 - 1957, một sự đóng góp tích cực và có hiệu quả vào thắng lợi của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế ở miền Bắc nước ta.

Điểm đáng chú ý khác là chi cho văn hoá xã hội cũng tăng lên, bảo đảm cho lĩnh vực văn hoá, y tế phát triển hài hoà với sự tăng trưởng về kinh tế. Đến cuối năm 1959, về giáo dục, số học sinh phổ thông tăng lên bằng 1,5 lần năm 1957, gấp 11 lần hồi Pháp thuộc, sinh viên đại học bằng 2,1 lần năm 1957, gấp 14 lần thời Pháp thuộc; về văn hoá nghệ thuật, các loại hình đều phát triển, tiêu biểu là số sách xuất bản gấp 11 lần hồi Pháp thuộc và số thư viện tăng, đặc biệt là các tủ sách phát triển khá phổ biến đến tất cả các cơ quan xí nghiệp, khu phố và nông thôn; về y tế, số giường bệnh tăng gần 60% so với năm 1957, tất cả các xã đều có ban phòng bệnh và nhiều cán bộ y tế cũng như nữ hộ sinh xã.

Bám sát và phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị, NSNN trong những năm 1958-1960 đã được tổ chức và quản lý với tinh thần cân đối thu chi một cách tích cực, chẳng những đáp ứng nhu cầu vốn tăng lên mà còn có một số kết dư, thực sự thể hiện tính chất là ngân sách của nền kinh tế quốc dân phát triển theo CNXH.

Sửa đổi, bổ sung mạnh mẽ chính sách thuế

Phục vụ kế hoạch 3 năm cải tạo XHCN, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa ở miền Bắc (1958 - 1960), ngành Tài chính đã không ngừng sửa đổi, bổ sung và thực hiện chính sách thuế nông nghiệp và công thương nghiệp, khuyến khích phong trào hợp tác hóa trong nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, ban hành các chế độ quản lý tài chính xí nghiệp quốc doanh, chế độ hạch toán kinh tế, chế độ kiểm kê, chế độ kế hoạch hóa thu chi tài chính, chế độ nộp lợi nhuận, nộp khấu hao cơ bản vào ngân sách nhà nước, điều lệ kế toán Nhà nước, mở rộng phạm vi áp dụng chế độ hạch toán kinh tế, kết hợp hai hình thức cấp phát vốn ngân sách và vốn tín dụng ngân hàng đối với vốn lưu động của xí nghiệp quốc doanh.

Cùng với việc khẩn trương chỉnh đốn chế độ thuế khóa, tiến hành sửa đổi bổ sung, cho ban hành chính sách áp dụng trong toàn miền Bắc, bao gồm thuế nông nghiệp, thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức doanh nghiệp, thuế hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu, thuế buôn chuyến, thuế sát sinh. Ngay sau khi ban hành chính sách thuế, ngành Tài chính đã tiến hành thu thuế vào hàng tồn kho nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước, điều tiết thu nhập của tư thương chống đầu cơ tích trữ, giảm căng thẳng về hàng hóa phục vụ cải tạo XHCN ở miền Bắc.

Tiến hành việc chỉnh đốn thuế và ban hành hệ thống thuế thống nhất, thực hiện sự đóng góp công bằng hợp lý cả hai vùng tự do và mới giải phóng. Do đó, đã phát huy được vai trò tích cực của chính sách: khuyến khích, hướng dẫn, điều tiết sản xuất kinh doanh; đồng thời bảo bảo yêu cầu động viên cho tài chính Nhà nước đáp ứng được nhu cầu to lớn của cả nước. 

Cùng với việc ban hành và thực thi các chính sách thuế mới nhằm tạo ra sự chuyển biến trong phương thức quản lý, ngành Tài chính đã ban hành các chế độ, thể lệ quản lý tài chính đối với các xí nghiệp quốc doanh như chế độ hạch toán kinh tế, chế độ kiểm kê, chế độ kế hoạch hóa thu chi tài chính, chế độ thu nộp lợi nhuận, nộp khấu hao, vào ngân sách nhà nước, điều lệ kế toán làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý tài chính đối với xí nghiệp. Cũng trong thời kỳ này, ngành Tài chính tiếp tục nghiên cứu ban hành điều lệ quản lý kinh phí hành chính và chế độ quản lý quỹ lương, tiến hành cải cách tiền lương và tăng lương cho công nhân viên chức Nhà nước...

Với những chính sách và cơ chế quản lý tài chính như trên, cũng có thể coi đó là những động lực làm cho ngân sách tiếp tục được tăng cường, củng cố và phát triển, đáp ứng được nhu cầu vốn tăng lên và bảo đảm cho ngân sách có kết dư. Thành công trên là tiền đề để bước vào giai đoạn miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) với hàng loạt chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội được đề ra, trọng tâm là tăng cường đầu tư đi đôi với cải tiến chế độ thu phù hợp với thành phần kinh tế quốc doanh lớn mạnh, thành phần kinh tế tập thể đã hình thành và phát triển sau cải tạo XHCN.

Nhờ sự trưởng thành này, ngành Tài chính đã kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc có những chuyển biến về chất, cách mạng miền Nam bắt đầu có nhiều chuyển biến lớn, buộc đất nước ta bước vào một thời kỳ vô cùng thách thức khi vừa phải chiến đấu, vừa phải dựng xây.

Tài liệu tham khảo:

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).