Cùng doanh nghiệp vượt khó

Theo T. Trúc/Báo Hậu Giang

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Công ty May Nhà Bè Hậu Giang đã có nhiều hỗ trợ cho công nhân ở lại làm việc. Ảnh: T. Trúc
Công ty May Nhà Bè Hậu Giang đã có nhiều hỗ trợ cho công nhân ở lại làm việc. Ảnh: T. Trúc

Nhiều ảnh hưởng

Tính đến tháng 7 năm 2021, cả nước có khoảng 840.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu như tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 còn có nhiều điểm sáng thì trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, số liệu về tình hình doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ tư đã gây ra tác động tiêu cực lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và phát triển của các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2021 là 75.823 doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp khi so sánh với mức tăng trung bình giai đoạn 2016-2020 (8,1%).

Tuy nhiên, trong 7 tháng năm 2021, số doanh nghiệp cả nước rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng, với 79.673 doanh nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 40.251 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có quy mô vừa và lớn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng và công nghiệp chế biến.

Tính riêng TP. Hồ Chí Minh, trong 7 tháng đầu năm nay có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 29,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Cũng trong 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp cả nước chờ làm thủ tục giải thể là 28.038 doanh nghiệp, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 11.384 doanh nghiệp, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có khoảng 11.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các số liệu trên cho thấy dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bức tranh về tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tương đối tích cực.

Ở Hậu Giang, 7 tháng đầu năm có 373 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn hơn 1.347 tỉ đồng; 99 doanh nghiệp khó khăn tạm ngưng hoạt động, tổng số vốn là 461,4 tỉ đồng; 55 doanh nghiệp giải thể, với tổng số vốn là 50,6 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn là 42,36 tỉ đồng, nâng tổng số từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 35 dự án đầu tư với số vốn là 3.138 tỉ đồng, tạo việc làm cho 3.299 lao động. Trong đó, có 33 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp với số vốn 2.800 tỉ đồng, 2 dự án trong khu, cụm công nghiệp với số vốn là 337 tỉ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù đại dịch COVID-19 đã và đang tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn có những điểm sáng đáng khích lệ trong khu vực doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động. Khi dịch bệnh căng thẳng, các doanh nghiệp, doanh nhân đã chủ động có giải pháp tự cứu mình.

Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, cụ thể như áp dụng giờ làm linh hoạt; tổ chức cho cán bộ công nhân ở lại tại nhà máy để sản xuất đáp ứng thời hạn đơn hàng; chủ động cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế. Ở những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh...

Đại diện Công ty Cổ phần May Nhà Bè Hậu Giang cho biết, để đảm bảo sản xuất, công ty lo chỗ nghỉ, 3 bữa ăn và thức ăn nhẹ bổ sung để đảm bảo sức khỏe cho công nhân ở lại làm việc, hỗ trợ thêm ngoài lương của tháng 7 để khích lệ tinh thần người lao động trong thời gian khó khăn này. Còn Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang cũng hỗ trợ thêm tiền cho công nhân khi ở lại làm việc trong công ty.

Mặc dù trong giai đoạn khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp đã chung tay chống lại đại dịch COVID-19, hỗ trợ người dân, cộng đồng, tổ chức cứu trợ, vận chuyển và thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện trên khắp mọi miền Tổ quốc, đóng góp lớn về tài chính vào Quỹ vắc-xin quốc gia và các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp Việt Nam đối với đất nước.

Tuy nhiên cũng còn những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối diện như tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm; doanh thu giảm mạnh; dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố...

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban quản lý cụm công nghiệp thành phố Vị Thanh, cho biết: Khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp không chỉ về chi phí sản xuất mà đang trong thời gian cao điểm của các đơn đặt hàng trong và ngoài nước, phục vụ thị trường cuối năm. Dù lao động làm việc theo phương châm “3 tại chỗ” nhưng số lượng ít hơn so với nhu cầu thực tế, quy mô sản xuất giảm, dẫn đến nguy cơ không đạt số lượng đã ký kết hợp đồng. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch bệnh nên khó khăn về nguyên liệu đầu vào, hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm và nhất là khâu vận chuyển mất nhiều thời gian.

Nỗ lực vượt khó

Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, Chính phủ thời gian qua thường xuyên lắng nghe, chia sẻ các khó khăn của doanh nghiệp. Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong quý II/2021, Chính phủ đã tiếp tục ban hành thêm hàng loạt chính sách, giải pháp kịp thời nhằm tiếp tục cắt giảm chi phí, giảm dòng tiền ra của doanh nghiệp thông qua hàng loạt các chính sách như: giảm tiền điện, lùi thời điểm đóng phí công đoàn, giảm mức đóng bảo hiểm, tạm dừng đóng các quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ giảm dòng tiền ra của doanh nghiệp thông qua hàng loạt các chính sách tài khóa như gia hạn nộp các loại thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế trước bạ cho ô tô; giảm trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế, điều chỉnh giảm một số khoản phí, lệ phí; cho vay ưu đãi trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, khẩn trương để xử lý các tình huống khẩn cấp phát sinh nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, hiệu quả. Ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số. Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và phần nào giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động.

Ông Đoàn Thanh Vũ - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết: Một tháng qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh, nỗ lực của doanh nghiệp và ý thức hợp tác của người lao động nên tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh không xuất hiện ca F0. Tình hình được kiểm soát tốt và hiện nay vẫn có doanh nghiệp đang trình phương án nối lại hoạt động, tiếp nhận công nhân chờ được xét duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong thời gian tới diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp. Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương phải tập trung vào cuộc với nỗ lực cao nhất, ưu tiên mọi nguồn lực để kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển. Tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ những vấn đề cấp bách với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm bớt thiệt hại, tác động tiêu cực cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. Chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực triển khai các biện pháp hỗ trợ dài hạn, bền vững giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh và có cơ hội quay trở lại mạnh mẽ hơn. Nâng cao năng lực ứng phó trước những thay đổi bất thường của môi trường kinh doanh và nền kinh tế toàn cầu, tận dụng cơ hội mới, thu hút dòng đầu tư và các nguồn lực bên ngoài, tạo đà bứt phá cho tăng trưởng kinh tế…

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2021 của cả nước là 2.432.121 tỉ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.065.413 tỉ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020.