Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Đa dạng hóa nội dung, hình thức truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thu An

Trong những năm qua, công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) được ngành BHXH Việt Nam triển khai hiệu quả, bài bản, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Bằng nhiều hình thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT đa dạng, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn đã giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của chính sách này trong đảm bảo an sinh xã hội.

Cơ quan BHXH các cấp triển khai truyền thông chính sách BHXH, BHYT  qua nhiều hình thức như tổ chức hội nghị giới thiệu chính sách.
Cơ quan BHXH các cấp triển khai truyền thông chính sách BHXH, BHYT qua nhiều hình thức như tổ chức hội nghị giới thiệu chính sách.

Đổi mới nội dung, hình thức truyền thông phù hợp với cuộc sống

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của chính sách BHXH, BHYT trong việc đảm bảo an sinh xã hội vào cuộc sống, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Các chính sách về BHXH, BHYT đã được ban hành có thể kể tới như: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH; Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH…

Các chính sách này đề đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về công tác tuyên truyền, truyền thông về chính sách BHXH, BHYT. Chẳng hạn như: Tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, nhóm giải pháp mang tính chiến lược là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT.

Chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT theo định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 21-NQ/TW đã được luật hóa tại Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (năm 2014).

Để cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã đề ra 11 nội dung cải cách hướng đến BHXH toàn dân. Nghị quyết này đã xác định 5 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH” là nhóm giải pháp đầu tiên.

Hay tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH cũng đã xác định mục tiêu “Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ quyền lợi, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách chính sách BHXH, nhằm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từ đó tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách BHXH hướng đến BHXH toàn dân”.

Những văn bản chỉ đạo mang tính định hướng trên của Đảng, Nhà nước đã đề ra nội dung, giải pháp cụ thể về công tác truyền thông để hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT thời gian qua đã được BHXH Việt Nam quan tâm, chú trọng đổi mới, hình thức và nội dung với nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Hàng năm, BHXH Việt Nam đều ban hành kế hoạch công tác truyền thông chính sách để thực hiện thống nhất, bài bản, khoa học trong toàn ngành BHXH Việt Nam. Nhờ có kế hoạch truyền thông cụ thể, chi tiết góp phần quan trọng vào việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT hàng năm của ngành BHXH Việt Nam.

Triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học truyền thông chính sách

Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT đã được ngành BHXH Việt Nam triển khai hiệu quả, bài bản, khoa học, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, hơn 2 năm qua, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT tiếp tục được BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc điểm dân cư, văn hóa vùng miền tại địa phương.

BHXH Việt Nam đã, đang phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông BHXH, BHYT (phối hợp thường xuyên với 25 bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và 80 cơ quan báo chí).

Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT có vai trò quan trọng trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT có vai trò quan trọng trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách BHXH, BHYT, an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, BHXH Việt Nam đã có định hướng cụ thể về định hướng truyền thông, bám sát tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW; chú trọng truyền thông những lợi ích, ưu điểm, ý nghĩa nhân văn trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Tăng cường truyền thông gương người tốt, việc tốt, những sáng kiến, cách làm hay đem lại hiệu quả trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tích cực truyền thông những nỗ lực, giải pháp của ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. 

Công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng được triển khai thường xuyên, liên tục, được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, hiện đại như đối thoại, tọa đàm trực tuyến, clip tin tức, megastory, infographic… mang tính trực quan, dễ dàng tiếp cận với nhiều tác phẩm báo chí có nội dung hay, hình thức đặc sắc, tạo ấn tượng, thu hút người đọc, người nghe, người xem.

Bên cạnh đó, truyền thông trên các kênh truyền thông của ngành và các kênh truyền thông mạng xã hội của Ngành (fanpage, Zalo) tiếp tục phát huy được hiệu quả trong truyền thông chính sách BHXH, BHYT tới các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng những ưu điểm, lợi ích, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách.

Tóm lại, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT có vai trò quan trọng trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, cũng như việc đảm bảo công tác an sinh xã hội của ngành BHXH Việt Nam. Từ ý nghĩa quan trọng đó, việc quan tâm, chú trọng vào đổi mới nội dung, hình thức công tác truyền thông sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao của ngành BHXH Việt Nam.