Đã đến thời điểm nhà đầu tư "bắt đáy"?


Chỉ số chính hồi phục đã giúp an ủi nhà đầu tư sau chuỗi 4 phiên giảm mạnh qua ngưỡng 1.100 điểm. Điều này mang tới kỳ vọng thị trường chứng khoán có thể đã kết thúc đợt giảm điểm khi định giá đã được chiết khấu đáng kể với P/E về xấp xỉ 12 lần.

Xu hướng thị trường vẫn khó đoán định

Dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, chỉ đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Trước đó, trong thời điểm thị trường giảm sâu, thanh khoản cũng “mất hút”.

Giá trị khớp lệnh bình quân trên HOSE từ đầu tháng 10 đến nay chỉ đạt 13.600 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với giai đoạn trước. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang hết sức thận trọng trước chuỗi giảm giá kéo dài và dè chừng những “cạm bẫy” bất ngờ của thị trường.

Trở lại hiện tại, việc VN-Index tăng điểm phiên 20/10 mang tới kỳ vọng thị trường đã manh nha kết thúc đợt giảm điểm và nhanh chóng tìm lại điểm cân bằng khi định giá đã được chiết khấu đáng kể với P/E về xấp xỉ 12 lần.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, xu hướng thị trường vẫn là khó đoán định. Bởi trước nhịp điều chỉnh gần nhất, Chứng khoán KIS nhận định, thị trường hiện đang bước vào giai đoạn tạo đáy của chu kỳ một năm. Để xác nhận đáy này, trước tiên chỉ số phải giảm xuống dưới đường trung bình động MA125 và sau đó tăng lên trên đường này.

Hiện tại, đường MA125 đang ở quanh mức 1.140 điểm, nên chỉ số có thể điều chỉnh về vùng 1.050-1.070 điểm, tương đương giảm gần 100 điểm từ mức điểm chốt phiên 12/10 là 1.151 điểm.

Mặt khác, bối cảnh quốc tế hiện nay đang có nhiều biến động liên quan đến căng thẳng địa chính trị, tỷ giá trong nước leo thang và động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước vẫn là ẩn số.

Chưa kể, bức tranh kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp dù có một số điểm sáng, song đa phần vẫn kém tích cực. Nhà đầu tư gần như bị “vỡ mộng” trước những kỳ vọng quá cao về việc nền kinh tế đã tạo đáy và kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng tích cực kể từ quý III. 

Trong khi đó, đa số nhà đầu tư vẫn đứng ngoài thị trường. Điều này thể hiện ở thanh khoản vẫn chỉ giao dịch thấp dù thị trường tăng hay giảm sâu. Do đó, lực bán không quá mạnh nhưng lực cầu lại yếu, khó có thể đưa chỉ số lên những nấc cao. Hơn nữa, thị trường chứng khoán đã giảm nhiều phiên liên tiếp làm cho không ít nhà đầu tư thua lỗ và có thể bị tình trạng call margin (bị bán giải chấp cổ phiếu) khiến áp lực giảm vẫn tồn tại.

Theo ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán BSC, dòng tiền có thể chưa rút ra khỏi chứng khoán trong một sớm một chiều, nhưng rõ ràng đang chững lại rõ rệt và dòng tiền mới cũng không được bổ sung vào thị trường. Thực tế, nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển tài sản đến những kênh an toàn khi thị trường chứng khoán đạt ngưỡng. Minh chứng là dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm sâu, song lượng tiền gửi tiết kiệm vẫn lập kỷ lục.

Thêm vào đó, động thái gom ròng của khối ngoại trong vài phiên gần đây cũng chưa đủ lực nâng đỡ thị trường. Bên cạnh việc chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường, dòng tiền khối ngoại mua ròng không phải tiền mới mà chủ yếu là tiền trading từ các quỹ. Do đó, đây không phải yếu tố thúc đẩy mà chỉ đơn thuần mang tính chất tâm lý.

"Gom hàng" từng phần

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank nhấn mạnh việc thị trường tăng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thanh khoản.

“Nếu thanh khoản đạt từ 20.000 - 25.000 tỷ đồng, thị trường có thể tăng mạnh, nhưng nếu dưới mức 20.000 tỷ thì đà phục hồi ở mức trung bình”, ông Sơn nói.

Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán BSC Bùi Nguyên Khoa cũng cho rằng dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất quyết định xu hướng điều chỉnh đã thực sự kết thúc. Để kích thích dòng tiền trở lại, những rủi ro mà thị trường lo ngại trước đó cần giảm bớt.

Đầu tiên là tình hình chiến sự quốc tế có những chuyển biến tích cực và không ảnh hưởng trên diện rộng. Bên cạnh đó, lạm phát Mỹ hạ nhiệt, chính sách “diều hâu” của Fed dừng lại. Khi chênh lệch USD/VND thu hẹp giúp tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có những chính sách bình ổn hơn.

Và, điểm quan trọng nhất là định giá cần chiết khấu thêm.

“Thị trường cần phải rẻ hơn nữa để kích thích dòng tiền nhà đầu tư lớn nhập cuộc. Khi những rủi ro có phần hạ nhiệt từ đó mới có thể kích thích dòng tiền trở lại và giúp thị trường thực sự tạo đáy rõ ràng”, chuyên gia BSC nhìn nhận.

Theo đó, ông Khoa cho rằng thị trường sẽ cân bằng trở lại khi xuất hiện những tín hiệu rõ ràng hơn trong quý IV/2023 và năm 2024. Khi đó, các chỉ số vĩ mô sẽ cải thiện rõ rệt chứ không còn mơ hồ.

Về chiến lược thời điểm này, nhiều chuyên gia vẫn chưa khuyến khích việc “bắt đáy” nhưng với đà giảm mạnh thời gian qua đưa VN-Index về vùng giá khá hời, đáng để nhà đầu tư quan sát. Chưa kể quan điểm thị trường phục hồi tích cực giai đoạn cuối năm vẫn được hầu hết các chuyên gia bảo lưu trước triển vọng kinh tế cuối năm và mặt bằng lãi suất dự báo vẫn thấp, tác động tích cực cho thị trường trong trung hạn.

"Thời điểm này có thể xem là cơ hội mua tích lũy cổ phiếu tốt với tầm nhìn trung - dài hạn. Riêng về ngắn hạn, rất khó để phục hồi nhanh và tăng giá thần tốc như vài tháng trước", ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank (MBKE) khuyến nghị.

Trong khi đó, ông Bùi Nguyên Khoa nhấn mạnh, nếu lựa chọn được cổ phiếu tốt và vùng giá phù hợp, nhà đầu tư hoàn toàn có thể xuống tiền. Tuy vậy, cần chọn lọc kỹ cổ phiếu vì có nhiều mã dù điều chỉnh nhưng giá đã vượt xa giá trị thực.

Đặc biệt, nhà đầu tư lưu ý nếu chiều lên mua càng nhanh thì chiều xuống cần mua chậm. Theo đó, nhà đầu tư có thể chia ra nhiều phần tại nhiều vùng giá để giải ngân và tránh “all-in” hay sử dụng margin trong giai đoạn này.

Theo Hải Đăng/vnbusiness.vn