Đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia

Trần Huyền

Thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia ngày 30/10/2023, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép kéo dài giải ngân để đảm bảo triển khai Chương trình.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận.

Gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đắk Nông cho rằng, việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp với thực tế và đã có những tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Tuy nhiên, về nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương giải ngân chậm, Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn của giai đoạn 2021-2025, kể cả nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đến hết giai đoạn 2025.

"Nếu không cho chuyển thì các dự án nội dung đã đề cập sẽ thực hiện thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và năm 2022 không được kéo dài sang năm 2024 và đến hết giai đoạn thì lại điều chỉnh dự án dẫn đến dự án thực hiện nửa chừng, không đồng bộ và không thể phát huy hiệu quả", Đại biểu nêu.

Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép các địa phương điều chỉnh các dự án nội dung. Do đó, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quy định cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất để đảm bảo tính kịp thời.

Thực tế, hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã bước sang năm thứ ba. Tuy nhiên, hiện còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, Đại biểu đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Yên Bái cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn để các địa phương này có thêm nguồn lực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của 3 chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024.

Để việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo được các mục tiêu yêu cầu đề ra, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý theo kết quả đầu ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn, theo dõi, đánh giá được tiến độ thực hiện so với các mục tiêu đã đề ra. Từ đó, kịp thời phát hiện được các khiếm khuyết và có các biện pháp cải tiến, điều chỉnh kịp thời trong thực thi các cơ chế, chính sách của các chương trình.

Đồng thời, tăng cường tính công khai, tăng cường chất lượng công tác báo cáo cũng như tăng cường năng lực trong kiểm soát công việc và ra quyết định lấy kết quả đầu ra làm đối tượng mục tiêu chính để xây dựng và vận hành cơ chế quản lý chi tiêu ngân sách. Giao quyền tự chủ và thực hiện phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương trong quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cũng nhấn mạnh đến việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, tình trạng giải ngân vốn ngân sách trung ương và địa phương đạt thấp, dưới 50%, thậm chí có những dự án đạt dưới 10% là chuyển dài nhiều tập, làm ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội cũng cần có chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

"Giữa các địa phương với nhau cũng có kết quả giải ngân khác nhau, trong khi đó, có cùng một cơ chế, chính sách, thời điểm phân bổ, giao vốn" , Đại biểu nhấn mạnh.

Phối hợp, phân cấp mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương

Cũng trao đổi về nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) khuyến nghị, cần xem lại tiêu chí phân bổ vốn và tỷ lệ vốn đối ứng nông thôn mới cho các địa phương có tổng số xã không nhiều vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp với thực tiễn để đảm bảo nguồn lực thực hiện.

Theo đại biểu Tiến, hiện tại, nhiều hộ gia đình không thể thoát nghèo do không có vốn, sức lao động và tư liệu sản xuất. Do vậy, cần nhóm những hộ này thuộc diện nghèo bền vững và có chính sách đặc biệt. Có như vậy mục tiêu chương trình mới có tính khả thi cao.

Ngoài các nội dung trên, Đại biểu cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát cũng như giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Theo đại biểu Trần Đức Thuận (Đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An), việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian qua còn có nhiều nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được như kỳ vọng. Đáng chú ý là tỷ lệ giải ngân ở nhiều dự án, tiểu dự án còn thấp, có nhiều dự án chưa được giải ngân.

Việc chậm giải ngân không chỉ gây lãng phí về tiền bạc vì đầu tư không kịp thời, mà quan trọng là các mục tiêu dự án tốt đẹp dành cho người nghèo của Đảng và Nhà nước chưa kịp thời đến với người nghèo. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, nhưng theo Đại biểu chủ quan vẫn là nguyên nhân chính. Đó là, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chưa được giải quyết kịp thời; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết vướng mắc phát sinh chưa chủ động, kịp thời; cán bộ làm công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu...

Đại biểu Thuận chỉ ra, theo tổng hợp ý kiến của các địa phương về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương có đề nghị từ năm 2024 trở đi, Trung ương nên giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; giao cho địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết cho từng dự án, thành phần, lĩnh vực chi để tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao hàng năm; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải quyết vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch hàng năm chuyển sang năm khác.

Đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, cần nghiên cứu để quyết định những đề xuất trên, bởi vì đây là vấn đề vướng mắc từ thực tiễn, là một trong những nguyên nhân làm cho việc giải ngân vốn trong thời gian qua nếu chậm giải quyết thì việc giải ngân trong thời gian tới cũng sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Đại biểu lưu ý, nếu giao toàn bộ các dự án cho địa phương cũng chưa hợp lý, cần phải phân cấp mạnh mẽ để địa phương chủ động. Đối với những dự án đầu tư lớn, Trung ương cần phải phê duyệt. Đồng thời, có cơ chế để ràng buộc trách nhiệm, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của địa phương để tránh thất thoát, lãng phí không hiệu quả dẫn đến tiêu cực.