Đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng

Bảo Thương

Sáng 25/5/2023, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ đề xuất giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng và cho rằng đây là giải pháp hết sức cần thiết trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp còn khó khăn.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.

Phát biểu buổi thảo luận, đại biểu Lê Quân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính là giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... Đại biểu nhấn mạnh, chính sách này là để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Quân, việc giảm thuế nếu chỉ tính đến hết năm 2023 thì không thể đánh giá được hết hiệu quả của chính sách hỗ trợ giảm thuế. Vì vậy, Quốc hội nên xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp đến ngày 01/7/2024 hoặc hết năm 2024.

Đồng thuận với việc giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, trong năm 2022, thu ngân sách nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác. Vì vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để góp phần tăng trưởng kinh tế. Thời gian hỗ trợ giảm thuế không nên chỉ 6 tháng cuối năm 2023 mà nên kéo dài sang năm 2024 theo chiều hướng cân đối ngân sách, đánh giá hiệu quả chính sách.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhận định, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% là hết sức cần thiết để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc đã nêu khi thực hiện chính sách này trong năm 2022, để tránh lặp lại khi thực hiện trong năm nay.

Đại biểu Lê Quân ủng hộ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng.
Đại biểu Lê Quân ủng hộ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng.

Cùng quan điểm với đại biểu Hoàng Văn Cường về việc kéo dài thời gian hỗ trợ giảm thuế, đại biểu Tạ Thị Yên băn khoăn thời gian dự kiến áp dụng 6 tháng cuối năm 2023 liệu có ngắn hay không vì trong trường hợp kinh tế phục hồi và phát triển thì việc giảm thuế 6 tháng cuối năm là phù hợp; nhưng nếu khó khăn có thể kéo dài sang năm 2024.

Trước đó, tại Phiên họp chiều 24/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Bộ trưởng nêu rõ, mục tiêu xây dựng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Do vậy, năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 và trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Trong Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách này như đề nghị của Chính phủ. 

 

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian qua, các giải pháp về thuế có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Trong đó, giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.