Dấu ấn của ngành Tài chính cùng sự phát triển đất nước


Trong lịch sử 77 năm trưởng thành và phát triển, ngành Tài chính cách mạng Việt Nam ở bất kỳ thời kỳ nào cũng thể hiện tốt vai trò là một trong những ngành then chốt khơi mạch nguồn sức mạnh của Dân tộc, Đất nước. Không chỉ huy động và phân phối kịp thời, hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, những hy sinh xương máu của hàng ngàn chiến sỹ tài chính cho sự nghiệp giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xứng đáng được mãi ghi nhớ, tôn vinh.

Sự hy sinh thầm lặng của những con người tài chính Cách mạng

Ngày 28/8/1945, ngay sau khi Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ra mắt quốc dân đồng bào, ngành Tài chính cách mạng Việt Nam được thành lập. Ra đời trong bối cảnh khó khăn, những người chiến sỹ trên “mặt trận” Kinh – Tài của Đảng lập tức phải gánh vác những trọng trách hết sức nặng nề. Đó là phải đảm nhận nhiệm vụ cân đối nguồn lực vật chất trong bối cảnh ngân khố quốc gia trống rỗng, hậu quả của gần một trăm năm đô hộ của thực dân Pháp và chính sách phục vụ chiến tranh của phát xít Nhật gây nên nạn đói thảm khốc, cướp đi sinh mạng trên hai triệu đồng bào. Không quá lời khi nói thách thức với ngành Tài chính của chính quyền non trẻ là vô giới hạn.

Trong bối cảnh giặc Pháp đã lăm le trở lại, nạn đói nguy cơ tái diễn, chính quyền nhân dân cùng lúc phải đấu tranh quyết liệt với thù trong giặc ngoài, những gì ngành Tài chính cách mạng Việt Nam làm được giai đoạn này xứng đáng đặt những dấu mốc lớn cho chặng đường vẻ vang mai sau. Trước hết, đó là chính sách tài chính dựa vào dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lựa chọn. Thành công của “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập” đã giúp cho ngân khố quốc gia huy động được 370 kg vàng và trên 20 triệu đồng Đông Dương, phần nào đáp ứng nhu cầu chi tiêu cấp bách của đất nước trong những ngày đầu giành độc lập. Để rồi khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, tinh thần yêu nước của toàn thể nhân dân vì nền độc lập, tự do của dân tộc lại được thể hiện qua sự thành công của “hũ gạo kháng chiến”, “hũ gạo nuôi quân”, “công phiếu kháng chiến”, “tín phiếu kháng chiến” mà ngành Tài chính thay mặt Đảng và Chính phủ thực hiện.

Để khẳng định chủ quyền và sự độc lập về chính trị, kinh tế của Nhà nước cách mạng non trẻ, trong điều kiện phá hoại của thực dân Pháp, quân đội Tưởng Giới Thạch, ngành Tài chính đã phát hành thành công Giấy bạc Tài chính - Giấy bạc Cụ Hồ. Thành công này là vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận kinh tế, tài chính, tín dụng, tiền tệ, đồng thời đảm bảo cung cấp cho nhu cầu chi tiêu tài chính của Đất nước và quốc phòng trong kháng chiến kiến quốc.

Cùng với nỗ lực xây dựng nền tài chính độc lập, hàng loạt chính sách thuế mới thể hiện sự ưu việt của chính quyền cách mạng, từ nông nghiệp, công thương nghiệp, thuế điền thổ, thuế hàng hóa được triển khai. Các sắc thuế nặng tính bóc lột, điển hình là thuế thân của chính quyền thực dân được vĩnh viễn xóa bỏ. Người dân khắp mọi vùng miền, từ vùng tự do cho đến vùng tạm chiếm đều tin tưởng kháng chiến sẽ thắng lợi. Nhân dân cả nước nô nức tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực hỗ trợ, đóng góp nguồn lực ủng hộ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Một điểm sáng đáng trân trọng là ngay từ thời kỳ này, kỷ luật tài chính trong sử dụng NSNN đã được ngành Tài chính Cách mạng Việt Nam xác lập rõ ràng, chặt chẽ. “Nguyên tắc chi tiêu tài chính phải được quy định rõ ràng: có như vậy mới tránh được lãng phí…”. Đó là nội dung những người làm tài chính cách mạng nằm lòng, để góp phần xây vững niềm tin trong tổ chức, đảm bảo nguồn hậu cần to lớn, làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, ngày 7/5/1954.

Cùng với trí tuệ, sự sáng tạo và mồ môi, công sức, máu đào của người cán bộ tài chính đã đã đổ xuống trên nhiều vùng miền của đất nước gắn với cuộc kháng chiến thần thánh. Hình ảnh Liệt sỹ Phạm Văn Khang và đồng đội dũng cảm vận chuyển và bảo vệ những cỗ máy in tiền - “hơi thở của nền tài chính kháng chiến” trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù trên dòng sông Lô mãi là một khúc tráng ca. Và trong suốt hành trình của cuộc kháng chiến chín năm, không ít liệt sỹ tài chính đã nằm xuống từ Hòa Bình, Tuyên Quang, Điện Biên cho đến khúc ruột miền Trung gian lao và cả vùng chiến khu Năm Căn (Cà Mau). Ở đâu có chính quyền và lực lượng kháng chiến, ở đó nguồn chi viện của tài chính có mặt. Sự hy sinh thân mình vì sứ mệnh thiêng liêng trở thành điều tự hào và hết sức bình dị của người cán bộ tài chính Việt Nam.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc mở ra chặng đường mới nhưng với toàn ngành Tài chính, nhiệm vụ không hề kém phần khó nhọc, gian lao. Đó là làm sao nhanh chóng khôi phục nền kinh tế miền Bắc bị tàn phá lớn bởi chiến tranh, đồng thời đóng vai trò là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam ruột thịt tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Xác định rõ nhiệm vụ, ngành Tài chính đã đi đầu đổi mới mạnh mẽ từ cơ chế chính sách, công cụ tài chính đến tổ chức bộ máy, con người để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Toàn Ngành đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm kích thích việc cải tạo XHCN ở miền Bắc trên cả ba lĩnh vực: Công, nông, thương nghiệp; xây dựng chế độ, chính sách quản lý các lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, tài chính ngân sách, tài chính xây dựng cơ bản, ngân hàng kiến thiết, toát lên trí tuệ, tầm nhìn chiến lược lớn nhưng rất sát thực tiễn và sâu sắc, tạo nền móng mới cho đất nước thời kỳ này.

Minh chứng cho các chính sách tài chính đúng đắn ở miền Bắc là đến đầu năm 1965, miền Bắc XHCN đã có 250 xí nghiệp sản xuất lớn, điển hình là: Gang thép Thái Nguyên, Dệt Nam Định, Đạm Hà Bắc, Supe phốt phát Lâm Thao, Thủy điện Thác Bà, Khu Cao – Xà Lá, Cơ khí Hà Nội. Cùng với đó, gần 800 xí nghiệp vừa và nhỏ được xây dựng mới, khôi phục giúp sản xuất phát triển vượt bậc. Có đến 90% nhu cầu tiêu dùng của người dân được đáp ứng từ sản xuất nội địa. Chính sách thuế mới khiến nông nghiệp có bước tiến lớn. Cuối năm 1965, cả nước có 640 hợp tác xã đạt và vượt năng suất 5 tấn/ha/năm, thu nhập của nông dân tăng 24% chỉ trong vòng 5 năm. Việc tăng chi NSNN cho giáo dục đã giúp trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật của cán bộ và nhân dân miền Bắc được nâng lên rõ rệt. Nạn mù chữ được thanh toán. Đến năm 1965, số học sinh phổ thông tăng gấp 3,5 lần so với năm 1960; số sinh viên đại học và học sinh trung học chuyên nghiệp tăng gấp 25 lần chỉ trong vòng 5 năm. Quy mô NSNN không ngừng được mở rộng và bền vững.

Để có ngày 30/4/1975, non sông thống nhất, Tổ quốc sạch bóng quân xâm lược, máu đào của người cán bộ tài chính đã nhuộm đỏ những trang sổ quyết toán, những gùi lương thực, thực phẩm vượt Trường Sơn. Thống kê sơ bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có gần 3.800 liệt sỹ ngành Tài chính hy sinh trên khắp các chiến trường. Có những đơn vị tài chính - hậu cần Khu V (thuộc Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam), số lượng thương binh, liệt sỹ tới trên 80% quân số. Vượt qua mưa bom, bão đạn khốc liệt, đường tiếp tế và vận chuyển trên bộ, trên biển, trong lòng địch, trên thị trường tài chính quốc tế được đảm bảo. Nhiều cán bộ tài chính cơ sở đã trực tiếp cầm súng và ngã xuống như những người lính trên chiến trường, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đất nước.

Dấu ấn trong khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế đất nước

Đất nước thống nhất nhưng khó khăn chồng chất lại chờ đợi những người làm tài chính Cách mạng. Hậu quả chiến tranh để lại là vô cùng nặng nề. Nguồn viện trợ to lớn từ anh em, bè bạn quốc tế không còn nữa. Ngoại lực huy động được thời kỳ này chủ yếu qua hình thức vay vốn. Tiếp đến, chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc xảy ra đã làm ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Sự cấm vận của các thế lực thù địch khiến có những thời điểm, khó khăn về kinh tế - tài chính ngày càng tăng cao.

Nhận thức rõ trách nhiệm và sứ mệnh, ngành Tài chính Việt Nam đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chính sách tài chính đúng đắn và sát thực tế giúp công, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ dần được khôi phục và hoạt động hiệu quả. Toàn Ngành tập trung động viên cao độ nguồn vốn Nhà nước, quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt, phấn đấu giảm bội chi, dẫn tới cân bằng thu chi ngân sách. Việc sửa đổi, cải tiến các chính sách thu, kết hợp tốt với việc tranh thủ nguồn vốn nước ngoài dưới hình thức viện trợ, vay nợ từng bước làm cho NSNN không ngừng tăng. Với số thu trong nước giai đoạn 1981 - 1985 so với giai đoạn 1976 -1980 tăng từ 60,8% lên 77,5%; tỷ trọng số thu ngoài nước đã giảm tương ứng từ 39,2% xuống còn 22,5% cho thấy chính sách động viên đúng đắn, bền vững, ít phụ thuộc vào ngoại lực như những năm chiến tranh. Nhờ vậy, chi NSNN đã ngày càng hiệu quả. Trong giai đoạn 1981 - 1985, NSNN đã phân bổ vốn cho tích lũy bằng 10,5 lần và cho tiêu dùng bằng 12,9 lần so với giai đoạn 1976 - 1980. Trong chi tích lũy, vốn xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng 87,55% và bằng 10,63 lần giai đoạn 1976 - 1980; vốn lưu động và vốn dự trữ chiếm tương ứng tỷ   trọng   2,5%   và bằng 9,49 lần.

Trong giai đoạn này, tài chính cũng là Ngành đi đầu trong tham mưu chính sách để Đảng và Nhà nước nhìn nhận toàn diện, lựa chọn Đường lối đổi mới, mở cửa kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Đại hội Đảng toàn quốc lần tứ VI (tháng 12/1986) là sự khai mở đúng đắn, kịp thời.

Trước yêu cầu to lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc phục triệt để các hạn chế của nền kinh tế tập trung, ngành Tài chính Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn đã đi đầu trong tiếp nhận các tinh hoa quản lý tài chính ưu việt trên thế giới, áp dụng phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước. Chính sách tài chính tập trung thu hút vốn FDI, ODA, khuyến khích phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu; tăng chi cho đầu tư phát triển, cho giáo dục, y tế, cho an sinh xã hội đã khiến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cả nước được nâng lên từng ngày. Khó khăn dần lùi bước. Từ những thay đổi nêu trên, thu NSNN đã không ngừng tăng, trong giai đoạn 1986 - 1990 bằng 30,7 lần (bao gồm cả thu chênh lệch giá) so với giai đoạn 1981 - 1985, trong đó thu từ kinh tế quốc doanh chiếm tới 64,2%, thu ngoài quốc doanh chiếm 19,6% đã góp phần đảm bảo yêu cầu chi phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh và tiêu dùng xã hội.

Cơ cấu NSNN thời kỳ 1990 - 2000 có những chuyển biển về chất hết sức quan trọng, cả về thu - chi, cân đối và quản lý. Hệ thống thuế đã được đổi mới căn bản và toàn diện. Nhà nước từng bước trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp về tài chính, đẩy mạnh cổ phần hoá, dần tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng đối cho mọi thành phần kinh tế. Hoạt động tài chính đối ngoại đạt thành quả khi Việt Nam xử lý thành công nợ nước ngoài nhận trong thời kỳ chiến tranh, khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế, đẩy mạnh thu hút ngoại lực, thúc đẩy nền kinh tế hội nhập với khu vực và quốc tế.

Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và những dấu ấn rạng rỡ

Bước vào thế kỷ XXI với mục tiêu duy trì đà tăng trưởng cao, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa thu nhập đầu người của Việt Nam thoát ra khỏi nhóm nước nghèo, có thể khẳng định hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, ngành Tài chính Việt Nam đã tạo không ít dấu son. Nhận thức chính sách hội nhập, mở cửa về tài chính luôn là đòi hỏi đi trước, cấp bách, kịp thời, dẫn đường cho các dòng vốn thúc đẩy tăng trưởng, ngành Tài chính đã thực sự tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành một khối lượng khổng lồ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, tạo khung khổ pháp lý cho tất cả các ngành, lĩnh vực phát triển. Điều này đã giúp khơi thông nguồn lực toàn xã hội - huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy, mở đường cho sự phát triển nhanh, bền vững. Thành quả của mở cửa, hội nhập về kinh tế là năm 2009, thu nhập bình quân/đầu người của Việt Nam lần đầu tiên ra khỏi nhóm các nước nghèo trên thế giới (vượt 1.000 USD/đầu người/năm). Và hơn mười năm sau, GDP bình quân đầu người năm 2022 dự kiến tăng 3,6 lần so với thời điểm năm 2009.

Chỉ nhìn trong hơn một thập kỷ gần đây, cơ cấu thu - chi NSNN giai đoạn 2011 - 2020 đã được cải thiện theo hướng ngày càng tích cực, đảm bảo tính ổn định, bền vững cao. Tỷ trọng thu nội địa (không kể dầu thô) tăng từ mức trung bình 57,85% trong giai đoạn 2006 - 2010 lên 67,7% trong giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ trọng thu từ dầu thô trong tổng thu NSNN giảm trung bình từ 19,96% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 13,41% trong giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ trọng thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu so với tổng thu NSNN giảm trung bình từ 20,06% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 17,7% trong giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ trọng thu viện trợ không hoàn lại giảm trung bình từ 2,12% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 1,37% trong giai đoạn 2011 - 2015. Giai đoạn 2016-2020, cơ cấu thu NSNN ngày càng chuyển biến tích cực, cụ thể, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức 67,7% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên gần 84% năm 2020; tỷ trọng thu dầu thô giảm dần cho sự phát triển của sản xuất trong nước trở thành điểm tựa lớn của cả nền kinh tế.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, có thể khẳng định nền tài chính quốc gia đã có nhiều chuyển biến rõ nét, thể chế tài chính - NSNN theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phù hợp với các điều kiện cụ thể của Đất nước trong từng giai đoạn và từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế, tiềm lực tài chính quốc gia tiếp tục được củng cố; cơ chế, chính sách tài chính - NSNN đã góp phần tích cực huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quá trình sắp xếp, đổi mới các DNNN đạt được các kết quả quan trọng, hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN có những cải thiện. Thị trường tài chính tiếp tục phát triển ổn định, quá trình tái cơ cấu thị trường được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tiến độ đề ra. Cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa ngành Tài chính được nâng cao. Hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế tiếp tục được tăng cường và củng cố…

Tiếp đó, trong năm 2021-2022, mặc dù như tất cả các quốc gia trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID – 19 nhưng NSNN vẫn cân đối được thu – chi, giữ tỷ lệ nợ công/ GDP không ngừng giảm trong những năm qua. Dự báo đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 45 - 46% GDP, nợ Chính phủ khoảng 41- 42% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 40 - 41% GDP. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với thu NSNN dự kiến khoảng 22 - 23%. Các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong ngưỡng được Quốc hội cho phép.

Hai năm qua, trước sự tác động tiêu cực về nhiều mặt từ đại dịch COVID -19, Tài chính Việt Nam một lần nữa khẳng định vị thế trong gian khó: Cân đối nguồn lực phục vụ phòng chống dịch hiệu quả và kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, công đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn. Trọn vẹn năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, hàng loạt chính sách tài khóa miễn, giảm, giãn các sắc thuế cho cộng đồng doanh nghiệp được ban hành. Bên cạnh đó, gần 50 triệu người đã được hỗ trợ, tổng số lên tới 82.000 tỷ đồng. Có thể nói, chưa bao giờ chính sách an sinh xã hội lại thực hiện lớn, cấp bách và toàn diện như giai đoạn vừa qua. Về thu NSNN, 7 tháng đầu năm 2022 vẫn đạt 77,5% dự toán năm, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tiền đề để các tổ chức quốc tế dự báo năm 2022, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất toàn cầu sau đại dịch.

Tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới và khu vực trong 2 năm vừa qua cho thấy kinh tế thế giới giai đoạn tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Với mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/ QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030. Chiến lược mang tính hệ thống, định hướng bao quát, dài hạn và hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tiếp đó, để đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ kiến tạo, ngày 27/7/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1484/ QĐ-BTC, ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nắm bắt cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đưa Việt Nam vào một giai đoạn phát triển mới đầy tươi sáng ở phía trước.

Chào mừng 77 năm ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam, nỗ lực chung tay thúc đẩy kinh tế - xã hội bứt phá; giữ vững an ninh, quốc phòng, nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, bền vững, đưa vị thế Việt Nam sớm gia nhập các cường quốc phát triển là tâm nguyện của mỗi cán bộ, công chức, người lao động ngành Tài chính Việt Nam hôm nay.

Tài liệu tham khảo:

  1. 60 năm Tài chính Việt Nam (1945-2005), NXB Tài chính, tháng 8/2005;
  2. Gia đình doanh nhân Trịnh Văn và những đóng góp cho nền Tài chính Cách mạng Việt Nam, NXB Tài chính, năm 2013;
  3. Đồng tiền Tài chính Việt Nam, NXB Tài chính, tháng 9/2013;
  4. Những đóa hoa bất tử (kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ), NXB Tài chính, tháng 7/2017;
  5. 75 năm Tài chính Việt Nam (1945-2020), NXB Tài chính, tháng 9 /2020;

 

* Phan Ngọc Chính – Giám đốc Nhà xuất bản Tài chính

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 8/2022