Dầu mỏ đang lật đổ "đế chế" Petrodollars


Từ nhiều năm nay, sức mạnh đồng USD dựa vào dầu mỏ, nhưng giờ đây mối lương duyên trong thuật ngữ "petrodollars" đang trước tương lai đường ai nấy đi.

Các quốc gia Trung Đông dùng tiền bán dầu mỏ để đa dạng nền kinh tế
Các quốc gia Trung Đông dùng tiền bán dầu mỏ để đa dạng nền kinh tế

Cơ chế “Petrodollars” - giao dịch dầu mỏ bằng USD là một kỳ quan kinh tế hiện đại, sự thật vô cùng phức tạp ẩn chứa bên trong công thức thương mại rất đơn giản: Dễ tham gia, thực hiện nhưng rất khó thoát khỏi ảnh hưởng của nó.  

Áp đặt mua bán dầu mỏ bằng USD về cơ bản làm thay đổi cấu trúc kinh tế và trật tự quyền lực toàn cầu từ thập niên 70 đến nay. Điều này không khác gì “họng súng” đi kèm “củ cà rốt”, vừa xoa dịu vừa đe nẹt, giúp nước Mỹ thống trị phần còn lại.

Hiện tại, khoảng 80% lượng dầu mỏ giao dịch trên thế giới vẫn đang được mua bán bằng USD. Tỷ lệ này đã ổn định trong suốt vài thập niên qua. Nhưng kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, tình thế đã thay đổi.

Petrodollars là thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia, thành viên chủ chốt của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Bây giờ, người Trung Đông đã đồng loạt “quay xe” dần rời khỏi phương Tây. Điều này khiến mối quan hệ năng lượng và USD giữa Washington - Riyadh trên đà sụp đổ, báo hiệu tương lai xấu với Petrodollars.

Tìm mọi cách dự trữ USD là phương án sống còn với nhiều chính phủ. Với các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông từ năm 1970, cách thức làm giàu khá đơn giản: Bán dầu mỏ, khí đốt thu về USD và cất trữ. Nhưng giờ đây, họ đã tiêu tiền theo cách khác. Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Qatar, Bahrain… dường như không quan tâm tới việc neo tài sản vào “đồng bạc xanh” như trước đây.        

Giá dầu cao mang về nguồn tiền khổng lồ cho các quốc gia nói trên. Giá trị tài sản mà các quỹ đầu tư ở các nước này nắm giữ lên tới gần 2.500 tỷ USD, chiếm 25% tổng tài sản các quỹ đầu tư của quốc gia trên toàn cầu. Bên cạnh đó, hàng trăm quỹ đầu tư tư nhân lớn nhỏ cũng đang hoạt động rất sôi nổi khắp thế giới.

Các quỹ đầu tư này bắt đầu đổ tiền vào blockchain, tiền kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, du lịch thượng lưu. Đặc biệt, nổi lên là UAE với tham vọng xây dựng chính phủ trên metaverse (vũ trụ ảo). Saudi Arabia khởi động dự án The Line - thành phố thẳng dài 170 km trong quần thể đồ sộ NEOM trị giá 500 tỷ USD.

Ngoài ra, các quốc gia Trung Đông đã dùng tiền trả nợ chính phủ và dành khoản lớn đầu tư mua bán và sáp nhập, tập trung vào châu Á. Có thể giải thích hiện tượng này rằng: Trung Đông bắt đầu nhận thấy thời đại hoàng kim của năng lượng hóa thạch không còn kéo dài.

Như việc xây dựng các siêu công trình là một phương pháp thu hút đầu tư, đa dạng hóa nguồn thu thay vì phụ thuộc tất cả vào dầu mỏ và đồng tiền Mỹ. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc, trục liên minh kinh tế mới ở châu Á đang trên đà phát triển mạnh, hứa hẹn trở thành trung tâm toàn cầu trong thế kỷ này.

Năm ngoái, Qatar tổ chức kỳ World Cup tốn kém và hoành tráng nhất lịch sử nhằm mục đích tạo cú hích cho hạ tầng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, hội tụ giới tinh hoa toàn cầu và thu hút nhân tài.

Sự thay đổi cấu trúc kinh tế ở Trung Đông tất yếu nảy sinh tiến trình “phi đô la hóa”. Điều này được biểu hiện cụ thể ở chỗ, nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ và khí đốt được tái đầu tư theo cách phi truyền thống.

Trong khi đó Trung Đông và Trung Quốc, Nga có xu hướng hình thành trục lợi ích liên kết chặt chẽ về thương mại, năng lượng, tài chính, tiền tệ và đầu tư. Khối này chủ trương không dùng USD trong thanh toán và hoán đổi.

Trung Quốc tiêu thụ khoảng 25% sản lượng dầu Saudi Arabia, ngoài ra nước này đã ký hợp đồng dài hạn nhập khẩu khí đốt từ Iran, Qatar. Nếu tất cả được thanh toán bằng Nhân dân tệ sẽ nâng đồng nội tệ Trung Quốc ở vị thế rất khác. Cùng với đó, các đối tác Trung Đông có nhiều lựa chọn hơn so với chỉ dùng USD. Điều này đã và đang đe doạ Petrodollars!

Theo Trương Khắc Hà/Diendandoanhnghiep.vn