Đầu tư nguồn lực xây dựng lực lượng chuyên trách trang bị phòng thủ dân sự


Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) đề nghị làm rõ quy định về tổ chức phòng thủ dân sự, đảm bảo hoạt động không chồng chéo, có hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung cụ thể chính sách đầu tư nguồn lực để xây dựng lực lượng chuyên trách trang bị phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu phòng chống, khắc phục hậu quả của chiến tranh, thảm...

 Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với  dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: QH
Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: QH

 Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 06/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Cần làm rõ quy định về tổ chức phòng thủ dân sự

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại ba phiên họp. Về nội dung Luật có ý nghĩa và phạm vi tác động sâu rộng đến nhiều mặt đời sống xã hội, cộng đồng hoặc của cả nền kinh tế. Đây là một dự án luật có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản pháp luật hiện hành.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng luật theo hướng quy định các nguyên tắc, cơ chế và chính sách chung về phòng thủ dân sự, những nội dung đặc thù, những nội dung còn thiếu trong hệ thống pháp luật có liên quan đến phòng thủ dân sự thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự. Quá trình tiếp thu, chỉnh lý yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng để quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về việc dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã bám sát nội dung các thông báo, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị hay chưa, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 hay không.

Cho ý kiến về dự án Luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) cơ bản thống nhất với dự thảo luật và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, còn một số nội dung chưa cụ thể, rõ ràng, còn chồng chéo, thiếu thống nhất, khó phân định với quy định của pháp luật có liên quan. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nội dung đặc thù, những nội dung còn thiếu trong hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, luật hóa các quy định liên quan đến phòng thủ dân sự trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện ổn định, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các quy định về tổ chức phòng thủ dân sự, đảm bảo hoạt động không chồng chéo, có hiệu quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các chính sách đầu tư nguồn lực để xây dựng các lực lượng chuyên trách trang bị phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu phòng chống, khắc phục hậu quả của chiến tranh, thảm họa, sự cố.

Về hợp tác trong phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một khoản quy định về việc phối hợp ngăn ngừa nguy cơ xảy ra sự cố. Vì theo đại biểu, hiện nay các thảm họa thiên nhiên có nguyên nhân từ việc hủy hoại môi trường sinh thái, do vậy việc hợp tác đa phương với các tổ chức quốc tế để giảm thiểu thiệt hại, khắc phục hậu quả là rất cần thiết và quan trọng.

Bổ sung quy định chế độ thông tin trong hoạt động phòng thủ dân sự

Đại biểu Hà Phước Thắng (TP.Hồ Chí Minh) ghi nhận nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 trước đó để hoàn thiện dự thảo Luật.

Về quyền tiếp cận thông tin của cá nhân được quy định tại dự thảo Luật, đại biểu Hà Phước Thắng nêu rõ dự thảo quy định theo hướng cá nhân tiếp cận thông tin về sự cố thảm họa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đại biểu cho biết, thực tế, trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19 vừa qua, vấn đề thông tin đáng được quan tâm. Bên cạnh việc xảy ra những nhiễu loạn thông tin, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng đã có nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh, các quy định, các chính sách trong phòng chống dịch chưa được đưa tới người dân một cách hiệu quả, đặc biệt là có sự khác biệt giữa các địa phương dẫn đến việc nhiều người dân lúng túng trong việc chấp hành các quy định, nhiều người không được đảm bảo về mặt chính sách và có những phản ứng tiêu cực trong thời gian dịch. Đây là một bài học khi xây dựng dự thảo Luật này.

Theo đại biểu Hà Phước Thắng, để có một cơ chế tiếp cận thông tin hiệu quả và ưu việt so với các nguồn khác để người dân được thụ hưởng quyền này một cách tốt nhất, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về chế độ thông tin trong hoạt động phòng thủ dân sự.

Về tham gia các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa theo quy định tại dự thảo Luật, đại biểu Hà Phước Thắng nêu rõ, quy định tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa khi có huy động sẽ bó hẹp việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả.

Trong khi việc cứu trợ các nguồn lực xã hội tham gia ứng phó, khắc phục việc cứu trợ các cá nhân là cấp thiết khi xảy ra thảm họa. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng mở hơn là khi được huy động tham gia thì các cá nhân, tổ chức có thể đăng ký và phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố để tổ chức các hoạt động tự nguyện.

Ngoài ra, đại biểu Hà Phước Thắng cũng đề nghị có quy định cụ thể hơn về ưu tiên nhập khẩu, xuất khẩu phương tiện, trang thiết bị hàng hóa phục vụ các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu trợ để khi Luật được ban hành được áp dụng thuận lợi trong cuộc sống.

Về Quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu Hà Phước Thắng nhất trí với phương án quy định, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và được hình thành trên cơ sở điều tiết các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Đồng thời đề nghị cần rà soát các loại quỹ tương tự như Quỹ Phòng chống thiên tai, quỹ phòng chống dịch bệnh để tránh chồng chéo trùng lắp; bổ sung quy định về công khai, minh bạch trong việc triển khai thực hiện.

Còn theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (tỉnh Ninh Bình), việc quy định quỹ phòng thủ dân sự là để tạo cơ chế pháp lý linh hoạt, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa trong những trường hợp khẩn cấp, đáp ứng yêu cầu tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, đó là phòng thủ dân sự từ sớm, từ xa.

Trong dự thảo luật này cũng đã quy định rõ việc thành lập, mục đích, nội dung, nguyên tắc hoạt động, nguồn tài chính hình thành Quỹ phòng thủ dân sự. Theo đại biểu Thanh, các quy định này đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan./.

Theo Bích Liên/dangcongsan.vn