Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần quyết tâm cao của bộ, ngành, địa phương

Trần Huyền

Đầu tư công được coi là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, công tác phân bổ và giải ngân hiện vẫn thấp. Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Tài chính xoay quanh nội dung này.

Phóng viên: Có thể thấy, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, song công tác phân bổ và giải ngân hiện vẫn thấp. Theo ông, nguyên nhân mấu chốt của tình trạng này là gì?

Ông Dương Bá Đức Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính)
Ông Dương Bá Đức
Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính)

Ông Dương Bá Đức: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết nguồn vốn này. Tỷ lệ giải ngân cũng rất thấp, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đến ngày 31/3/2023 là hơn 73.192 tỷ đồng, chỉ đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%).

Theo báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi về Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước 3 tháng đầu năm chưa cao là do hiện nay các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Một số dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn. Có dự án sử dụng vốn nước ngoài nhưng chưa tháo gỡ được khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.

Tiến độ giải ngân không chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023 mà cả trong năm 2022 cũng có nguyên nhân từ những tồn tại về thể chế, cơ chế chính sách. Toàn bộ quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chịu sự quy định của pháp luật của nhiều ngành, lĩnh vực liên quan, quy định thủ tục còn rườm rà và kéo dài thời gian, nhiều khâu thực hiện, trong đó khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tài nguyên môi trường.

Sự biến động tăng cao của giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm, tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng... dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân.

Ngoài các nguyên nhân khách quan thì phải nhìn nhận thực tế công tác tổ chức thực hiện các dự án tại các bộ, ngành địa phương còn nhiều vấn đề, chưa tuân thủ quy định pháp luật như:  Phân bổ vốn chậm, bố trí vốn chưa đúng  nguyên tắc tiêu chí, thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật đầu tư công, bố trí vốn còn dàn trải, chưa bố trí đủ vốn cho dự án hoàn thành còn thiếu vốn, bố trí vốn còn thiếu cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm, chưa ưu tiên bố trí vốn thu hồi vốn ứng theo quy đinh; bố trí kế hoạch vốn cho các dự án chưa gắn với dự báo tiến độ thực hiện như dự án vướng mắc đền bù nhưng bố trí nhiều vốn sinh ra tình trạng ứ đọng vốn; thủ tục đầu tư đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm chễ…

Cùng cơ chính sách nhưng nhiều Bộ, địa phương giải ngân rất tốt, cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng ngược lại, nhiều bộ, địa phương đến hết 31/3/2023 chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân dưới 2% kế hoạch Thủ tướng giao.

Phóng viên: Về phía Bộ Tài chính, với chức năng quản lý, thanh toán vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã triển khai các giải pháp gì để góp phần đưa dòng vốn quan trọng này sớm chảy vào nền kinh tế?

Ông Dương Bá Đức: Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đưa dòng vốn này vào nền kinh tế, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để đánh giá các vướng mắc về cơ chế và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện hệ thống pháp luật về đầu tư công.

Chúng tôi luôn đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước đáp ứng tiến độ của các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thực hiện kịp thời công tác nhận xét và kiểm tra phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 99/2021/NĐ-CP để nhập hoặc phê duyệt dự toán ngay cho các dự án đủ điều kiện.

Qua công tác kiểm tra phân bổ, Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến đối với các nội dung phân bổ chưa đúng quy định, chưa đủ điều kiện kiểm soát giải ngân của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương như: bố trí vốn cho các dự án khởi công mới chưa đủ điều kiện, phân bổ chưa đúng ngành, lĩnh vực theo quy định, bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp đã quá thời gian bố trí vốn… Trên cơ sở đó các Bộ, cơ quan trung ương có sơ sở để hoàn thiện công tác phân bổ theo đúng quy định.

Về kiểm soát thanh toán vốn, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, đồng thời đã tích hợp 11 thủ tục hành chính lên cổng thông tin Dịch vụ công quốc gia, trong đó có thủ tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước. Kho bạc Nhà nước cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, hệ thống để tiếp nhận và xử lý ngay các hồ sơ giải ngân vốn cho các dự án.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, ngay trong những tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành các văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, nhập dự toán để phục vụ giải ngân ngay sau khi kế hoạch vốn được cấp thẩm quyền giao.

Phóng viên: Để đạt được mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch trong năm 2023, những giải pháp thiết thực nào cần được tập trung thực hiện, thưa ông?

Ông Dương Bá Đức: Đầu tư công được coi là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được mục tiêu giải ngân Thủ tướng Chính phủ giao, nhận diện các vướng mắc từ cơ chế chính sách, công tác tổ chức thực hiện của các Bộ, địa phương đến công tác kiểm tra phân bổ vốn vốn theo chức năng quản lý, Vụ Đầu tư đã chủ động tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 3593/BTC-ĐT ngày 14/4/2023 tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các mặt công tác từ phân bổ kế hoạch vốn đế thực hiện giải ngân nguồn vốn.

Một trong những giải pháp thiết thực cần được tập trung thực hiện là nhanh chóng phân bổ hết nguồn vốn đầu tư công làm tiền đề cho công tác giải ngân. Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà thầu, triển khai thực hiện các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, có các giải pháp tháo gỡ đảm bảo đủ nguồn cung cấp vật liệu phục vụ cho các công trình dự án giao thông trọng điểm.

Quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Bởi như tôi đã nói ở trên, trong cùng hệ thống pháp luật, cùng điều kiện kinh tế nhưng vẫn có những đơn vị có tỷ lệ giải ngân tốt, có đơn vị giải ngân chậm. Do đó, bản thân lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa, sát sao hơn nữa trong công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong các khâu thực hiện dự án đầu tư công.

Về lâu dài, cần sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công như: tách phần giải phóng mặt bằng triển khai trước; phân cấp chủ quản đầu tư, cho phép chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn kể cả nguồn vốn chi thường xuyên để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Các quy trình quản lý hiện hành cũng cần phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn, không quy định giữ một vài khâu quản lý ở trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!