Để áp lực thành động lực


Phần lớn các doanh nghiệp ngành tôm trong nước đều cho rằng, áp lực từ vụ yêu cầu áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam do Hiệp hội Các nhà chế biến tôm của Mỹ (ASPA) khởi xướng vào ngày 25/10 là không đáng kể nếu so với áp lực, khó khăn nội tại mà ngành tôm Việt Nam đang phải đương đầu nhằm nâng cao tính cạnh tranh và giữ vững vị thế của ngành tôm trên thị trường thế giới.

Cả lĩnh vực nuôi lẫn chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam ngày càng  giữ vững vị thế tôm Việt trên thị trường thế giới. Ảnh: TÍCH CHU
Cả lĩnh vực nuôi lẫn chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam ngày càng giữ vững vị thế tôm Việt trên thị trường thế giới. Ảnh: TÍCH CHU

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu tôm Việt Nam (VASEP), vào ngày 25/10, Hiệp hội Các nhà chế biến tôm của Mỹ (ASPA) đã nộp đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador, Indonesia và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Cơ quan này ước tính biên độ bán phá giá của Ecuador lên tới 111%, trong khi biên độ phá giá của Indonesia lên tới 37%. Vụ kiện trên liệu có được thực thi hay không vẫn phải còn chờ các cơ quan chức năng của Mỹ xem xét và nếu xảy ra, mức thuế được áp đối với các nước trên là bao nhiêu sẽ do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tạm tính, nhưng ít ra cũng phải đến nửa cuối năm 2024.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, so với các nước trong vụ kiện, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn do nhiều lần chứng minh được không bán phá giá và không trợ cấp, hiện đang được hưởng mức thuế 0%. Hơn nữa, khả năng Mỹ khởi kiện chống trợ cấp giá đối với tôm Việt Nam là thấp do giá bán tôm của Việt Nam tại Mỹ cao hơn nhiều so với các đối thủ như Ấn Độ và Ecuador.

Một thuận lợi khác nữa là dù lượng tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ luôn có sự tăng trưởng qua các năm, nhưng không có sự đột biến lớn mà vẫn ở mức khá hợp lý. Hiện tại, Ấn Độ là quốc gia chiếm thị phần tôm lớn nhất tại thị trường Mỹ với khoảng 37%, kế đến là Ecuador với trên 20%, ít hơn một chút là Indonesia và Việt Nam đứng thứ tư với khoảng 8% thị phần.

Riêng về giá bán tôm của Việt Nam tại thị trường Mỹ là rất cao so với 3 nước trên do chủ yếu là các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cung cấp cho các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn, cấp cao. Đây cũng là lý do để các luật sư của ASPA đưa ra mức tạm tính thuế chống bán phá giá tôm từ Ecuador và Indonesia lần lượt là 111% và 37%.

Với phân tích trên, có ý kiến cho rằng, nếu tôm Việt Nam duy trì được mức thuế 0% như hiện tại, thì chúng ta sẽ có lợi thế rất lớn tại thị trường Mỹ. Điều này là hoàn toàn có cơ sở, nhưng nếu không tiêu thụ được tại Mỹ, lượng tôm khổng lồ từ các nước trên sẽ quay sang các thị trường lớn khác của con tôm Việt Nam, như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản… tạo nên áp lực cạnh tranh lớn cho con tôm Việt Nam tại những thị trường này.

Vấn đề cơ bản của ngành tôm hiện nay là làm sao sớm giải quyết những khó khăn nội tại. Ảnh: TÍCH CHU
Vấn đề cơ bản của ngành tôm hiện nay là làm sao sớm giải quyết những khó khăn nội tại. Ảnh: TÍCH CHU

Theo ông Hồ Quốc Lực, tôm sơ chế (nguyên con hoặc lặt đầu cấp đông dạng block) của Ecuador dẫn đầu vào EU và Trung Quốc. Các nước Nam Âu hết sức chuộng tôm Ecuador. Còn ở Nhật Bản, tôm Indonesia đứng thứ hai sau tôm Việt Nam. Ông Lực chia sẻ: “Về lý thuyết, để chuyển đổi thị trường nhanh nhất, các doanh nghiệp sẽ tìm đến các thị trường trọng điểm còn lại.

Lúc đó, cả hai thị trường lớn của tôm Việt Nam là EU và Nhật Bản sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt hơn, áp lực bán hàng sẽ lớn hơn đối với các doanh nghiệp tôm Việt Nam. Chưa kể, nếu Trung Quốc mua thêm nhiều tôm giá rẻ từ Ecuador, ít nhiều giá và sản lượng tôm mà Trung Quốc mua từ Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, cho dù đó là sản phẩm tôm mang tính chất đặc thù, ít đối thủ, như: tôm sú hoặc tôm thẻ sống luộc chín”.

Qua nhiều năm đối mặt với các vụ kiện cũng như các rào cản thương mại, các doanh nhân ngành tôm Việt Nam trở nên dạn dày hơn, bản lĩnh hơn. Với vụ kiện mới lần này, họ luôn có cái nhìn theo chiều hướng tích cực nhiều hơn, có sự chuẩn bị chu đáo hơn cho các kịch bản có thể xảy ra, chứ không hề chủ quan.

Theo đó, nếu cả Ecuador và Indonesia đều bị áp mức thuế cao đến mức phải rời bỏ thị trường Mỹ thì khoảng trống nguồn cung sẽ dồn về các quốc gia còn lại, như: Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và cả Thái Lan nữa. Ông Lực cho biết thêm: “Ngành tôm Ấn Độ cũng đang cố gắng cải thiện đẳng cấp chế biến, nhưng đi sau tôm Việt Nam ít ra chục năm, cho nên lợi thế của tôm Việt Nam ở đây là không nhỏ, nếu vụ kiện xảy ra theo kịch bản nêu trên. Khi đó, giá tôm Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể khi nguồn cung tôm vào Hoa Kỳ bị hạn chế”.

Còn ở các thị trường lớn còn lại, các doanh nghiệp tôm Việt sẽ tập trung cho công tác tiếp thị, nghiên cứu sản phẩm mới cũng như cố gắng tiết kiệm mọi mặt trong hoạt động nhằm giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh… Việc chia lại miếng bánh thị phần tôm theo ông Lực cũng không có gì là mới mẻ và cũng không gây nhiều khó khăn cho các doanh nhân tôm Việt Nam ngày càng dạn dày, bản lĩnh. Cho nên ngành tôm Việt Nam cảm thấy không gì là áp lực đáng kể đối với thông tin trên. Thậm chí, thông tin trên còn là động lực để các doanh nghiệp nỗ lực nhiều hơn cho việc tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, vấn đề cơ bản của ngành tôm hiện nay là làm sao sớm giải quyết những khó khăn nội tại, như: tìm giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi một cách hiệu quả; là quản lý, kiểm soát tôm giống hết sức chặt chẽ; là tìm mọi nguồn đầu tư thủy lợi cho nuôi tôm… để nâng cao tỷ lệ nuôi thành công và đó mới chính là sức cạnh tranh mạnh mẽ cần làm nhất hiện nay.

Theo Tích Chu/Báo Cà Mau