Đề nghị tăng lương tối thiểu cho người lao động cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực công

Lê Anh

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm thực hiện cải cách tiền lương khu vực công.

Các đại biểu dự phiên họp chiều 31/10.
Các đại biểu dự phiên họp chiều 31/10.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa -  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả nổi bật, năm 2023, có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77-4,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là 5,0-6,0%). Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm: Giai đoạn 3 năm 2021-2023 chỉ đạt 4,36-4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016-2018. Do đó, đại biểu này đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Kỳ họp.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Kỳ họp.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo sẽ khó khăn hơn, toàn cầu hóa và thương mại sẽ tiếp tục giảm. Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 đề ra 20 chỉ tiêu. Đối với một số chỉ tiêu về kinh tế, việc đạt yêu cầu là hết sức khó khăn. Vì vậy, đại biểu này đề nghị Chính phủ tăng cường dự báo, đánh giá kỹ tính khả thi để trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp, đề nghị có giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu và cho từng năm từ nay đến hết năm 2025.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ xác định những giải pháp trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao. Đại biểu đề nghị quan tâm đến 3 nhóm giải pháp.

Trong đó, đại biểu kiến nghị tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; bày tỏ đồng tình kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến hết ngày 30/6/2024. Cùng với đó cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Báo cáo của Chính phủ đánh giá thủ tục hành chính của nhiều ngành, lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn, tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, đại biểu này đề nghị “Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ ngày 01/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.”

Một vấn đề nữa được đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chia sẻ là qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện KT-XH, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.

Cho rằng người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của Đất nước, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999 năm). Theo ông, đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

Ngoài ra, theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta, độ mở bao nhiêu là phù hợp và nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Từ đó, có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.