Để tăng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước tại các trường đào tạo sỹ quan quân đội

ThS. Lại Văn Tùng

Có thể nói, về cơ bản, các trường đào tạo sỹ quan quân đội thực hiện nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao và quyết toán chi ngân sách với Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo sỹ quan quân đội trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp. Thực tế này đòi hỏi các trường đào tạo sỹ quan quân đội phải tăng cường tìm kiếm những nguồn tài chính ngoài ngân sách để đảm bảo cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình nguồn thu ngoài ngân sách của một số trường đào tạo sỹ quan quân đội

Hiện nay, các trường đào tạo sỹ quan quân đội (SQQĐ) được Nhà nước, Bộ Quốc phòng cho phép thực hiện một số hoạt động tạo nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) nhằm phát huy tiềm năng sẵn có về con người, khoa học kỹ thuật và cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng chưa có cơ chế hiệu quả để khuyến khích các trường gia tăng nguồn thu ngoài NSNN, dẫn đến đa số các trường chưa khai thác hết tiềm năng, nguồn thu còn thấp; hoạt động có thu với quy mô lớn chỉ diễn ra ở những trường có những điều kiện thuận lợi sẵn có về vị trí đóng quân, đất đai, hạ tầng và thiết bị (Bảng 1).

Để tăng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước tại các trường đào tạo sỹ quan quân đội - Ảnh 1
 

Số liệu từ Bảng 1 cho thấy, kết quả nguồn thu ngoài NSNN của một số trường trực thuộc Bộ Quốc phòng từ năm 2013-2015.

Để tăng nguồn thu ngoài NSNN cho các trường đào tạo SQQĐ khả thi do một số yếu tố sau: (i) Một số sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường quân đội có thể áp dụng cho nhu cầu dân sinh; (ii) Các trường đào tạo SQQĐ được đầu tư hiệu quả, có tiềm lực mạnh về con người, khoa học kỹ thuật và cơ sở vật chất; (iii) Việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra thị trường có tác động tích cực đến chính hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường, giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu gắn với thực tiễn.

Giải pháp tăng nguồn thu ngoài ngân sách đối với các trường đào tạo sỹ quan quân đội

Để tăng nguồn thu ngoài NSNN của các trường đào tạo SQQĐ, hỗ trợ tốt cho các hoạt động của nhà trường, giảm gánh nặng cho NSNN, cần có cơ chế khuyến khích các trường tăng cường khai thác nguồn tài chính ngoài NSNN theo hướng sau:

Một là, giao quyền tự chủ cho các trường tự xác định kế hoạch hoặc phương án lao động sản xuất, làm kinh tế và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả các hoạt động làm kinh tế do nhà trường đề xuất.

Các trường tự xác định kế hoạch hoặc phương án lao động sản xuất, làm kinh tế và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, nếu lỗ bù đắp bằng quỹ trường…

Hai là, tạo thuận lợi cho các trường huy động các nguồn vốn khác: Cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của các trường đào tạo SQQĐ có nhu cầu vốn lớn. Trong khi đó, các quỹ của các trường này thường ít và chủ yếu để đảm bảo đời sống cho phần lớn cán bộ, giảng viên. Đây cũng là nguyên nhân khiến lãnh đạo các trường chưa mạnh dạn đầu tư từ nguồn quỹ đơn vị.

Để các trường kịp thời huy động đủ vốn cho hoạt động sản xuất, cần tạo điều kiện cho các trường huy động từ nguồn vốn khác như: Vay tín dụng, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức mạnh về tài chính để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của trường… 

Ba là, Bộ Quốc phòng cần có cơ chế hỗ trợ về vốn cho hoạt động đào tạo của các trường đào tạo SQQĐ.Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của các nhà trường (Bộ, quân khu, quân chủng, binh chủng, tổng cục) là cơ quan xét duyệt phương án hỗ trợ kinh phí và giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các trường.

Cơ quan quản lý cấp trên có thể hỗ trợ vốn, trang thiết bị cho hoạt động làm kinh tế của nhà trường nhưng phải đảm bảo không sử dụng nguồn từ NSNN.

Tuy nhiên, quá trình đầu tư, hỗ trợ vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các trường không tránh khỏi những rủi ro nhất định. Điều này đã dẫn tới nhiều năm qua Bộ Quốc phòng chưa có cơ chế hỗ trợ vốn cho hoạt động có thu của các đơn vị cấp dưới. Để giải quyết vấn đề này, việc hỗ trợ vốn nên thực hiện theo cơ chế thu hồi - cấp lại hàng năm.

Theo đó, hoạt động có thu được hỗ trợ vốn phải có báo cáo kết quả hàng năm và hoàn trả vốn hỗ trợ sau khi kết thúc năm. Sau khi nhà trường hoàn trả vốn hỗ trợ, nếu hoạt động nào kém hiệu quả hoặc nhà trường không có nhu cầu vốn nữa thì Bộ không cấp lại.

Bốn là, có cơ chế tăng cường huy động các nguồn tài chính khác. Ngoài nguồn NSNN và hoạt động có thu của các trường đào tạo SQQĐ, nguồn tài chính khác có thể kể đến như: Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp; đóng góp quỹ học bổng; nguồn tài chính từ các dự án hợp tác, hỗ trợ của chính phủ, quân đội, trường quân sự nước ngoài.

Do đặc thù đào tạo trong lĩnh vực quân sự, nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đào tạo SQQĐ bị hạn chế. Chẳng hạn như Quỹ học bổng hoặc quỹ tuổi trẻ sáng tạo (hỗ trợ nghiên cứu của giảng viên trẻ và học viên, sinh viên) hiện nay chủ yếu kêu gọi đóng góp tự nguyện của cán bộ, nhân viên trong trường, nguồn tài chính thu được thường ít, không hỗ trợ được nhiều cho đào tạo và nghiên cứu.

Bộ Quốc phòng cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp và đơn vị trong phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học trong quân đội; khuyến khích các trường chủ động tăng cường hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp quân đội.

Bên cạnh việc tăng cường hợp tác, kêu gọi đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài quân đội, nguồn tài chính của các trường đào tạo SQQĐ còn có thể được huy động thông qua các dự án hợp tác đào tạo, huấn luyện, nghiên  cứu với quân đội các nước trên thế giới. Các dự án hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ, quân đội, trường quân sự nước ngoài cho các trường đào tạo SQQĐ Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng và giảm chi phí đào tạo, huấn luyện.

Cần có chính sách đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước trên thế giới, tập trung vào các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, đặc biệt là hợp tác quốc phòng trong khối ASEAN; ưu tiên một số hoạt động như trao đổi đoàn, huấn luyện, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm và học thuật với các nước; mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo sĩ quan, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực: ngoại ngữ, quân y, kỹ thuật, hậu cần quân sự.        

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

2. Bộ Quốc phòng, Điều lệ công tác tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BQP ngày 14/02/2007;

3. Bộ Quốc phòng, Quyết định số 3365/QĐ-BQP ngày 17/12/2001 về việc ban hành Quy định quản lý tài chính các hoạt động có thu tại các đơn vị dự toán trong Quân đội;

4. Bộ Quốc phòng Quyết định số 135/Q Đ-BQP ngày 09/12/2015 ban hành Quy định một số chế độ chi tiêu cho hoạt động giáo dục đào tạo tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong Quân đội;

5. Bộ Quốc phòng, Quyết định số 2523/QĐ-BQP ngày 15/7/2013 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 – 2020.