Để thị trường bán lẻ sôi động trở lại


Mặc dù sức mua còn khó khăn, áp lực cạnh tranh gay gắt nhưng thị trường bán lẻ nội địa vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của nước ta thuộc loại cao so với các nước trong khu vực. Do đó, cần có thêm giải pháp giúp thị trường bán lẻ sôi động trở lại.

Thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng. Nguồn: ITN
Thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng. Nguồn: ITN

Triển vọng năm 2024

Năm 2023, ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt được bước tiến lớn với tổng mức bán lẻ đạt khoảng 6.232 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 9,6% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Điều này cho thấy thị trường trong nước đang dần trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng. 

Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội Hoàng Nguyệt Minh nhận định, từ giai đoạn sau dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng với sức hút mạnh mẽ. Sự gia tăng trong sức tiêu dùng nội địa được xem là một trong các yếu tố thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của các thương hiệu quốc tế đối với thị trường này. Một yếu tố quan trọng khác tạo nên sức hút của thị trường bán lẻ tại Việt Nam là so với các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng các thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra một cơ hội lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt khi họ tìm kiếm những bước tiến đầu tiên tại đây.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhìn nhận, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch… Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định.

Cũng đưa ra cái nhìn tích cực, bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng lượng khách du lịch tăng trở lại sẽ thúc đẩy các hoạt động lưu trú, ăn uống và giải trí, giúp nhu cầu tiêu dùng cải thiện đáng kể. Với tiêu dùng thiết yếu, theo kỳ vọng của VnDirect, sau sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ được cải thiện trong năm 2024 và góp phần củng cố nhu cầu trong nước. Cùng với đó, việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 sẽ tác động lớn đến những người được hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Đối với hàng hóa không thiết yếu, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ được dự đoán sẽ vẫn duy trì mức tăng trưởng. Trong đó, nhu cầu sản phẩm công nghệ thông tin và điện tử tiêu dùng được cho là vẫn bị ảnh hưởng mạnh trong năm nay. Các công ty bán lẻ và phân phối điện tử tiêu dùng ở lĩnh vực này tiếp tục bị ảnh hưởng do đây là các sản phẩm mà khách hàng cắt giảm nhiều nhất khi thu nhập bị ảnh hưởng. Nhu cầu về sản phẩm công nghệ thông tin có thể sẽ bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2024 - đầu 2025 sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2023.

Khai thác mảnh đất màu mỡ

Ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Hiện tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt hơn 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025 và đóng góp khoảng 59% GDP.  

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bán lẻ nội địa là mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%. Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1 nghìn dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều dư địa để phát triển.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, từ đầu năm 2024 đến nay có rất nhiều giải pháp từ quản trị nhà nước, quản trị kinh tế, quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ nội địa. Tuy nhiên, việc này đang gặp những rào cản lớn, trong đó việc làm, thu nhập của người lao động giảm đã tác động trực tiếp đến bức tranh bán lẻ hiện tại. Ngoài ra, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến “lờn”, không còn phát huy tác dụng kích cầu.

Vì vậy, theo ông Đức, cần những giải pháp khác, tác động và hỗ trợ trực tiếp đến nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm giúp họ tồn tại và phát triển. Nhà nước cũng có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Ví dụ, du lịch hợp lực với thương mại để phát triển. Và để làm được những nội dung này, cần bàn tay vĩ mô nhằm cấu trúc lại giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.

Để tiếp tục cải thiện thị trường bán lẻ, theo Công ty chứng khoán VnDirect, điều kỳ vọng là xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, thu nhập của người tiêu dùng cải thiện giúp tỷ lệ nợ xấu tại các công ty cho vay tiêu dùng giảm sẽ kéo theo tín dụng tiêu dùng quay trở lại vào nửa cuối 2024. Từ đó, dòng tiền từ tín dụng giải ngân cho tiêu dùng quay lại sẽ có tác động tích cực đến nhóm hàng hóa không thiết yếu có thể đóng góp tới 30% doanh thu cho các công ty bán lẻ.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn