Đề xuất rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước

Thùy Linh

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) được Quốc hội phê chuẩn chậm nhất 12 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.

Theo quy định của Luật NSNN, thời gian Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.
Theo quy định của Luật NSNN, thời gian Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, thông qua công tác quyết toán NSNN cho thấy, hàng năm Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức điều hành NSNN theo dự toán được giao; quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi và vay nợ của NSNN, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Các thông tin trên Báo cáo quyết toán NSNN là căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh công tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý, điều hành, sử dụng, kiểm tra, giám sát công tác tài chính - ngân sách được hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, KBNN nhận định, theo quy định của Luật NSNN, thời gian Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách là quá dài. Do đó, chưa kịp thời đưa ra bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện công tác thu, chi NSNN (bao gồm cả những tồn tại trong công tác quyết toán NSNN) để có những đánh giá mang tính thời sự, toàn diện và rút kinh nghiệm cho năm tiếp theo.

Chính điều này làm giảm vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN đối với công tác xây dựng dự toán và quản lý NSNN; chưa đảm bảo mục tiêu theo yêu cầu Quốc hội nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.

Do đó, tại Nghị quyết số 22/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019 và Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020, Quốc hội đã giao Chính phủ: “Nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính - ngân sách của Nhà nước”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã giao KBNN chủ trì nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm; trình Lãnh đạo Bộ, trình Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.

Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 764/BTC-KBNN ngày 19/1/2023 lấy ý kiến các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Căn cứ ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 67/TTr-BTC ngày 25/4/2023 về việc báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN. Đến nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện ý kiến thành viên Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở thực trạng công tác quyết toán NSNN hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm theo định hướng: Tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN; Nâng cao tính chủ động, tự chịụ trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN; Làm rõ trách nhiệm của đơn vị dự toán cấp trên và cơ quan tài chính các cấp trong công tác xét duyệt, thẩm định Báo cáo quyết toán NSNN; Tăng cường công tác hậu kiểm sau quyết toán NSNN.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất Báo cáo quyết toán NSNN được Quốc hội phê chuẩn chậm nhất 12 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách, tức là giảm 6 tháng so với quy định tại Luật NSNN năm 2015.