Điểm lại sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 5/2022

Trần Huyền

Trong tháng 5/2022, ngành Tài chính diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong tháng.

1. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV

Tham dự Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) năm 2021; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020.

Bộ trưởng cũng đã tham gia giải trình các ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp sát sao với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng thống nhất, đồng bộ việc thực hiện pháp luật, tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước phát biểu tiếp thu, giải trình tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước phát biểu tiếp thu, giải trình tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Qua 21 ý kiến của các đại biểu Quốc hội đóng góp cho Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tổng hợp và tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp xây dựng của các đại biểu. 

2. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại Bình Định

Ngày 12/5, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại huyện Tây Sơn; Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Định. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định dự các cuộc tiếp xúc.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Tây Sơn, Bình Định
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Tây Sơn, Bình Định

Thông tin trước cử tri, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cũng như của toàn ngành Tài chính, năm 2021, thu NSNN đã tăng 16% dự toán, tăng 225 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương tăng 53 nghìn tỷ đồng. Số tiền này đã được sử dụng để đầu tư trở lại, nhất là các dự án đầu tư có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu Chính phủ điều hành phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội và NSNN.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư tại Tọa đàm “Gặp gỡ Bình Định - Hàn Quốc 2022” với chủ đề “Chung tay phát triển”.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư tại Tọa đàm “Gặp gỡ Bình Định - Hàn Quốc 2022” với chủ đề “Chung tay phát triển”.

Chiều cùng ngày, tại TP. Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Gặp gỡ Bình Định - Hàn Quốc 2022” với chủ đề “Chung tay phát triển”. Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tin tưởng với các lợi thế, Bình Định sẽ trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực miền Trung.

3. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc họp với 05 địa phương về giải ngân vốn đầu tư công

Sáng ngày 18/5/2022, Tổ công tác số 6 của Chính phủ về kiểm tra, đốn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng đã họp trực tuyến với 05 địa phương: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.

Về giải pháp đẩy nhanh giải ngân trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thủ tục; tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng; đôn đốc thi công nhanh, bố trí vốn đủ để tạm ứng thanh toán; rà soát điều chỉnh vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân nhanh để huy hiệu quả sớm.

Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề cơ chế chính sách vẫn phải sửa đổi nhưng thực tiễn triển khai cũng phải chủ động, sáng tạo, tránh tâm lý sợ trách nhiệm. "Lãnh đạo các địa phương phải đôn đốc, giải quyết ngay tại hiện trường, giải quyết ngay tại nút thắt." - Bộ trưởng nói.

4. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”

Sáng ngày 17/5/2022, Tạp chí Tài chính phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đổi mới, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ các cơ chế chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách được triển khai hiệu quả thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn…

Những nút thắt về cơ chế chính sách đã được cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Do đó, cần phải có sự tham vấn ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các địa phương để Bộ Tài chính tiếp thu, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tái cơ cấu hiệu quả.

5. Năm thứ 8 liên tiếp, Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index

Sáng ngày 25/5, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố PAR Index 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Theo kết quả được công bố, Bộ Tài chính xếp hạng Nhì nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ với chỉ số cải cách hành chính 91.71%. Đây là năm thứ 8 liên tiếp (2014-2021), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index.

Việc tiếp tục duy trì vị trí trong tốp 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index 2021 trong 8 năm liên tiếp cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Tài chính trong công tác cải cách hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.