Chính sách thuế với mục tiêu sử dụng đất đai có hiệu quả

TS. VƯƠNG THỊ THU HIỀN - Học viện Tài chính

(Tài chính) Đất đai là một nguồn tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia, việc sử dụng nguồn tài nguyên đó như thế nào cho hiệu quả trong hoạt động kinh tế phụ thuộc rất lớn vào chính sách thuế. Trên cơ sở nhận diện những tác động của chính sách thuế đối với mục tiêu sử dụng đất, bài viết đề xuất một số giải pháp để chính sách thuế góp phần sử dụng đất đai có hiệu quả ở Việt Nam.

Việc sử dụng đất đai cho hiệu quả trong hoạt động kinh tế phụ thuộc rất lớn vào chính sách thuế. Nguồn: internet
Việc sử dụng đất đai cho hiệu quả trong hoạt động kinh tế phụ thuộc rất lớn vào chính sách thuế. Nguồn: internet
Tác động của chính sách thuế đối với mục tiêu sử dụng đất

Trong thời gian qua, chính sách thuế và thu khác có tác động đến hoạt động quản lý Nhà nước về đất nói chung và mục tiêu sử dụng đất (SDĐ) có hiệu quả nói riêng, cụ thể:

Tác động tích cực

Thứ nhất, việc quy định nộp các khoản tiền khi xác lập quyền sở hữu hoặc sử dụng hay khi sử dụng đã góp phần thúc đẩy việc SDĐ có hiệu quả và hợp lý, tăng cường vai trò điều tiết của thuế đánh vào đất đai. Theo quy định hiện hành, người được quyền SDĐ phải nộp một số khoản tiền cho Nhà nước theo qui định như: Tiền sử dụng đất khi được giao quyền SDĐ; Hàng năm phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp hoặc thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Khi có hoạt động chuyển nhượng đất phải nộp thuế thu nhập, thuế trước bạ.

Thứ hai, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy số thu từ các loại thuế đánh vào đất chiếm tỷ trọng không cao trong tổng thu NSNN ở Việt Nam thời gian qua song đã tạo được nguồn thu thường xuyên, phục vụ tốt yêu cầu quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, tăng thêm nguồn kinh phí giúp Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực quản lý đất đai, từng bước thực hiện chính sách động viên công bằng giữa các tầng lớp dân cư.

Thứ ba, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi, chuyển nhượng đất, cho thuê đất diễn ra phổ biến và thuận lợi hơn. Chính sách thuế đã góp phần khắc phục bước đầu tình trạng sử dụng đất manh mún, tạo tiền đề cho việc sử dụng đất có hiệu quả. Quá trình vận động của đất đã được dịch chuyển theo hướng từ người sử dụng kém hiệu quả sang người sử dụng có hiệu quả hơn. Diện tích đất đang sử dụng phân tán được tích tụ, tập trung để có thể áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra ngày càng nhiều nông sản hàng hoá và đất đai đa dạng. Luật Đất đai năm 2003 đã xác định cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi, chuyển nhượng đất phù hợp với thực tế khách quan của quá trình vận động của quan hệ đất đai.

Theo quy định hiện hành, người được quyền sử dụng đất phải nộp một số khoản tiền cho Nhà nước theo quy định như: Tiền sử dụng đất khi được giao quyền SDĐ; Hàng năm phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp hoặc thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Khi có hoạt động chuyển nhượng đất phải nộp thuế thu nhập, thuế trước bạ.
Thứ tư, người nộp thuế bước đầu xem xét và thu hẹp quỹ đất sử dụng phù hợp với khả năng và yêu cầu của mình, khắc phục tình trạng chiếm giữ quá nhiều và sử dụng lãng phí.

Thứ năm, chính sách thuế và thu khác về đất đai đã từng bước phát huy tác dụng làm cho quan hệ đất đai tiệm cận với cơ chế thị trường, buộc người sử dụng đất phải tính toán hiệu quả. Mặt khác, chính sách thuế và thu khác đối với đất đai đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong quản lý đất đai một cách chặt chẽ và toàn diện, hướng đến mục tiêu sử dụng đất có hiệu quả.

Hạn chế cần khắc phục

Một là, chính sách thuế đánh vào đất đai còn một số qui định chưa đảm bảo phù hợp với thực tiễn luôn biến đổi, nên ảnh hưởng đến quá trình thực thi chính sách thuế cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu ban hành chính sách thuế.

Mức thu thuế đất còn thấp, vừa ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, vừa tác động đến vai trò kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với đất đai, ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất hiệu quả. Việc quy định mức thuế đánh vào đất chưa phù hợp với diễn biến quan hệ đất đai ở Việt Nam và thực tiễn đang vận hành trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Giá đất làm căn cứ tính thuế đất khi có hoạt động chuyển nhượng còn hạn chế. Khung giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành thường thấp hơn so với giá giao dịch trên thị trường, từ đó tạo ra những kẽ hở cho tham nhũng từ đất đai cũng như tăng siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp đầu tư bất động sản.

Hai là, các chính sách thuế và thu khác đối với đất đai chưa thể hiện được nguyên tắc phân phối địa tô giữa người SDĐ và người sở hữu, làm thất thoát các nguồn lợi do đất đai mang lại từ Nhà nước chuyển sang người sử dụng và chiếm giữ đất đai. Những quy định thuế suất đang thực hiện đối với thu tiền SDĐ đã gây ra thất thu cho NSNN, nhất là đối với những trường hợp giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá. Sự điều tiết phần giá trị tăng thêm của đất do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch khu thương mại, đô thị chưa có những chính sách phù hợp để tăng nguồn thu, dẫn đến thất thu NSNN, nhất là phần lợi ích do đầu tư công tạo ra ở các khu vực đô thị.

Ba là, so với sự vận hành của nền kinh tế và sự tăng thu nhập của xã hội, các quy định trong chính sách thu vào đất có những hạn chế nhất định, chậm đổi mới, dẫn đến chưa khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và ngăn ngừa hiện tượng đầu cơ đất đai. Sự bất cập trong quy định thu thuế bằng hiện vật (thóc) và bằng tiền dẫn đến những khó khăn và bất hợp lý khi mất mùa, được mùa, biến động của giá cả, lạm phát. Đối với giao dịch thị trường, thước đo giá trị là tiền tệ chứ không thể là hiện vật, do vậy đây là những bất cập trong chính sách thu không phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và thể chế kinh tế thị trường.

Các nguyên nhân chủ yếu: Do chế độ, chính sách thuế và thu khác chưa theo kịp sự biến đổi không ngừng của diễn biến phát triển kinh tế - xã hội; Do thủ tục hành chính thuế còn phức tạp, từ đó gây nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách thuế và thu khác; Do năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ thuế và cán bộ uỷ nhiệm thu còn hạn chế; Do hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế cũng như các thông tin liên quan đến xác định giá tính thuế chưa được cập nhật và chưa phù hợp với giá thị trường; Do ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế chưa cao nên các đối tượng nộp thuế luôn tìm cách khai sai giá đất khi chuyển nhượng, gây thất thoát nguồn thu cho NSNN.

Giải pháp để chính sách thuế góp phần sử dụng đất đai hiệu quả

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách thuế và thu khác đánh vào đất đai, đặc biệt là xác định mức thu hợp lý nhằm tăng cường vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với đất đai, góp phần đảm bảo SDĐĐ có hiệu quả.

Việc cân nhắc mối tương quan giữa hai hình thức thuế (thuế thu hàng năm và thuế thu một lần khi xác lập quyền sở hữu đất đai) khi thiết kế chính sách thuế đánh vào đất đai có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo tính hiệu quả và tính hiện đại của chính sách thuế, đặc biệt là tính hài hòa, cân đối trong hoạch định mức thuế suất giữa hai chính sách thu.

Khung giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành thường thấp hơn so với giá giao dịch trên thị trường, từ đó tạo ra những kẽ hở cho tham nhũng từ đất đai cũng như tăng siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp đầu tư bất động sản.

Mỗi cách thiết kế mức thu sẽ có mục đích điều tiết riêng và ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, nên thiết kế mức thu thuế hàng năm cao và mức thuế đánh vào đất khi chuyển nhượng thấp, bởi vì:

Một là, mục đích của các sắc thuế đánh vào đất nói riêng không những nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách mà còn có mục đích thực hiện chức năng quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước. Nếu áp dụng mức thuế cao khi đăng ký chuyển nhượng đất sẽ tạo nguồn thu kịp thời cho NSNN nhưng dễ dẫn đến hiện tượng các đối tượng nộp thuế thực hiện các giao dịch “ngầm”, không đăng ký chuyển nhượng, không nộp lệ phí trước bạ và thuế thu nhập, làm thất thu NSNN, ảnh hưởng đến tính công bằng xã hội cũng như vai trò quản lý của Nhà nước. Nếu áp dụng mức thu của thuế trước bạ và thuế thu nhập thấp sẽ khắc phục được nhược điểm trên, khuyến khích các đối tượng đăng ký quyền sở hữu tài sản.

Hai là, việc đánh thuế đất ở mức thấp khi xác lập quyền sở hữu và quyền SDĐ sẽ giúp cho công tác quản lý tài sản của Nhà nước được thuận lợi hơn. Khi đó, có thể áp dụng mức thuế thu hàng năm tương đối cao để tạo nguồn thu thường xuyên và ổn định cho ngân sách. Việc thu thuế hàng năm ở mức cao sẽ có lợi thế:

(i) Các đối tượng nộp thuế khó có thể tránh thuế một cách hợp pháp do bất động sản khó di chuyển, khó che giấu.

(ii) Đây được coi là hình thức bổ sung của thuế thu nhập, đặc biệt trong điều kiện phạm vi đánh thuế thu nhập cá nhân còn nhiều hạn hẹp và trình độ quản lý còn yếu kém. Thuế đánh vào bất động sản cho phép tính đến khả năng toàn bộ của người nộp thuế một cách đầy đủ nhất. Những người sở hữu nhiều bất động sản sẽ có thu nhập cao hơn và sẽ bị đánh thuế nhiều hơn để đảm bảo công bằng xã hội.

(iii) Sẽ có tính khả thi về mặt hành chính vì cơ sở tính thuế (diện tích tính thuế) không thay đổi nhiều qua thời gian. Hơn nữa, trong trường hợp đã quản lý được chủ sở hữu (hay sử dụng) bất động sản, nếu có hiện tượng trốn thuế, Nhà nước có thể thực hiện các biện pháp mang tính cưỡng chế như đóng băng bất động sản không cho giao dịch, tịch thu và bán… để nhằm thu đủ số thuế.

(iv) Có thể làm giảm nạn đầu cơ hoặc ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư, tăng tính hiệu quả của đất trong quá trình sử dụng nếu áp dụng mức thu hàng năm cao.

Ba là, với mức điều tiết về thuế đánh vào đất khi chuyển nhượng quyền sở hữu và quyền sử dụng thấp, số giảm thu không mất đi mà có thể chuyển thành số thu về thuế đất hàng năm. Thực chất là san sẻ mức động viên ở khâu xác lập quyền sở hữu và quyền SDĐ sang thuế thu hàng năm. Hơn nữa, do tính chất thu dần hàng năm nên xét về dài hạn mức động viên hoàn toàn có khả năng cao hơn so với thu một lần.

Thứ hai, ngành Thuế phối hợp với cơ quan Tài nguyên và Môi trường ở các địa phương khai thác cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ cho công tác quản lý thuế, vừa hạn chế thất thu lại vừa nâng cao vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý. Theo đó, có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai hiện đại và vận hành theo mô hình tập trung với các phần mềm chuyên dụng để cung cấp và trao đổi chính xác, kịp thời các thông tin đất đai phục vụ nhu cầu quản lý và sử dụng. Cơ quan thuế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố thực hiện việc rà soát, lập hồ sơ phục vụ việc xử lý các vi phạm đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Thứ ba, đẩy nhanh quá trình cải cách và đơn giản hoá thủ tục hành chính về thuế đánh vào đất. Đơn giản hoá thủ tục hành chính không những mang lại lợi ích thiết thực cho người nộp thuế mà còn giảm thiểu chi phí hành thu cho cơ quan thuế.

Thứ tư, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo tránh tình trạng đầu cơ đất, hạn chế tình trạng lãng phí trong sử dụng đất. Theo đó, cần phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố ở các cấp, phòng địa chính, phòng tài nguyên và môi trường... để quản ý diện tích và đối tượng sử dụng đất có hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong quá trình quản lý và SDĐ; Phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, sai phạm; Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật thuế trong lĩnh vực đất đai. Thực hiện tốt quá trình giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, khuyến khích nhân dân tham gia vào quá trình giám sát việc thực thi chính sách pháp luật thuế đánh vào đất đai, đảm bảo việc SDĐ tiết kiệm và có hiệu quả.

Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nhằm nâng cao ý thức tuân thủ trong thực hiện nghĩa vụ thuế nói chung và thuế đánh vào đất đai nói riêng. Bản chất của các khoản thu và thuế đánh vào đất đai chính là Nhà nước (người có quyền sở hữu về đất) thu lại phần địa tô chênh lệch do đất mang lại. Hơn nữa, trong một số trường hợp giá trị của đất sẽ tăng do dịch vụ công cộng của Nhà nước; do được Nhà nước quản lý, theo dõi, bảo vệ bằng một số biện pháp hành chính đặc biệt có lợi cho các chủ có quyền sử dụng. Các chính sách thuế và thu khác vào tài sản chủ yếu nhằm bù đắp các khoản chi của Nhà nước cho các dịch vụ công cộng và quản lý tư pháp liên quan đến đất đai.