Các công ước quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân và khả năng tham gia của Việt Nam

Hải An

(Tài chính) Thực tế đã cho thấy cơ chế trách nhiệm bồi thường thiệt hại hạt nhân hiệu quả là nền tảng cơ bản cho sự thành công của chương trình hạt nhân dân sự. Để có được cơ chế như vậy, mỗi quốc gia cần xây dựng hệ thống pháp lý đảm bảo việc bồi thường được thực hiện đầy đủ và nhanh chóng, phù hợp với các quy định của quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiến trình xây dựng các công ước quốc tế về trách nhiệm bồi thường thiệt hại hạt nhân

Công ước Viên (1963), Công ước Paris (1960)

Năm 1963, Công ước Viên về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân ra đời dưới sự bảo trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Công ước Viên được mở ký cho mọi quốc gia, chính thức có hiệu lực từ năm 1977 và được sửa đổi năm 1997.

Năm 1960, Công ước Paris về trách nhiệm của bên thứ ba trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân 1960 ra đời dưới sự  bảo trợ của Tổ  chức Hợp tác và Phát triển kinh tế  (OECD). Công ước Paris mở  ký cho các quốc gia thành viên OECD và các quốc gia khác khi được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên, chính thức có hiệu lực từ năm 1968 và được bổ sung bởi Công ước bổ sung Brussels 1963. Công ước Paris năm 1960 được sửa đổi, bổ sung bởi các nghị định thư ngày 28/01/1964 và ngày 16/11/1982 về trách nhiệm bồi thường thiệt hạt trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Về cơ bản, 2 công ước trên đều có chung các nguyên tắc về trách nhiệm bồi thường đối với sự cố hạt nhân gồm:

(i) Trách nhiệm bồi thường đối với sự cố hạt nhân thuộc về chủ thể vận hành cơ sở hạt nhân;

(ii) Trách nhiệm của chủ thể vận hành cơ sở hạt nhân là tuyệt đối;

(iii) Trách nhiệm bồi  thường của chủ  thể vận hành cơ sở hạt nhân có giới hạn về định mức;

(iv) Trách nhiệm bồi thường có giới hạn về mặt thời gian;

(v) Chủ thể vận hành cơ sở hạt nhân phải mua bảo hiểm hoặc có hình thức bảo đảm tài chính khác để thực hiện trách nhiệm bồi thường trong trường hợp có thiệt hại hạt nhân;

(vi) Quyền  tài  phán đối với các yêu cầu  đòi bồi thường thuộc về  tòa án có thẩm quyền của quốc gia xảy ra sự cố hạt nhân;

Với vai trò là cầu nối giữa Công ước Viên và Công ước Paris, Nghị định  thư chung về việc áp dụng Công ước Viên và Công ước Paris ra đời năm 1988 đã xóa đi ranh giới địa lý giữa hai Công ước trên. 

Công ước Bồi thường bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân (CSC)

Năm 1997, bên cạnh việc thông qua Nghị định thư sửa đổi Công ước Viên,  IAEA đã thông qua Công ước Bồi thường bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân (CSC). CSC được thông qua ngày 12/9/1997 nhằm hiện đại hoá và tăng cường chế độ pháp lý quốc tế sau ảnh hưởng của tai nạn Chernobyl năm 1986.

Công ước có hai mục đích chính. Đầu tiên là xây dựng “một chế độ trách nhiệm trên toàn thế giới” mà tất cả các nước đều có thể tham gia. Theo đó, CSC không chỉ dành cho các quốc gia tham gia Công ước trách nhiệm đối với hạt nhân hiện có mà còn cho các quốc gia khác với điều kiện luật pháp của họ phù hợp với các quy tắc thống nhất về trách nhiệm dân sự quy định tại Phụ lục của Công ước.

Thứ hai, CSC cũng nhằm mục đích tăng số tiền bồi thường hiện có trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân bằng cách thiết lập một số tiền bồi thường tối thiểu cấp quốc gia và một quỹ quốc tế mà ở đó, các bên ký kết dự kiến sẽ đóng góp khi xảy ra tai nạn hạt nhân.

Quy định về quỹ quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân cũng chính là điểm khác biệt lớn của CSC đối với Công ước Viên và Công ước Paris. Theo đó, các quốc gia thành viên của CSC ngoài việc đảm bảo trách nhiệm tài chính đối với thiệt hại hạt nhân xảy ra do sự cố hạt nhân ở mức không  dưới 300 triệu SDR (quyền rút vốn đặc biệt - đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định và được sử dụng cho các hoạt động và giao dịch của Quỹ tiền tệ quốc tế), còn có nghĩa vụ đóng góp cho Quỹ bồi thường thiệt hại hạt nhân quốc tế.

Quỹ bồi thường được hình thành khi xảy ra sự cố hạt nhân tại các quốc gia thành viên với mức bồi  thường từ trên 300 triệu SDR trở  lên. Tỉ  lệ đóng góp của các quốc gia thành viên CSC cho Quỹ bồi thường 90% dựa trên tổng công suất của các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành tại mỗi quốc gia và 10% dựa trên tỉ lệ đánh giá của Liên Hiệp Quốc (UN). Như vậy, đối với quốc gia thành viên chưa có nhà máy điện hạt nhân và có tỉ lệ đánh giá của UN thấp, tỉ lệ đóng góp là bằng 0.  

Sổ tay Luật Hạt nhân với các quy định chung về bồi thường thiệt hại hạt nhân

Như vậy, trên thế giới hiện nay có 05 điều ước quốc tế quy định về nội dung bồi thường thiệt hại hạt nhân: Công ước Viên về  trách nhiệm dân sự  đối với thiệt hại hạt nhân 1963 (Công ước Viên; Công ước Paris về trách nhiệm của bên thứ ba trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân 1960 (Công ước Paris; Nghị  định thư chung về  việc áp dụng Công ước Viên và Công ước Paris; Công ước Viên sửa đổi 1997 (là bản tích hợp của Công ước Viên 1963 và Nghị  định thư sửa đổi 1997) và Công ước bồi thường bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân 1997 (CSC). Mặc  dù các công ước  này có những điểm khác biệt  như  đối  tượng  áp dụng, định mức bồi thường, quy định về trường hợp miễn trừ nhưng đều thống nhất một số quy định chung về bồi thường thiệt hại hạt nhân.

Năm 2010, IAEA đã xuất bản Sổ tay Luật Hạt nhân, trong đó tổng hợp các quy định chung của luật quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân. Theo đó, khi xây dựng các quy định về bồi thường thiệt hại hạt nhân, các quốc gia thành viên cần phải đảm bảo nội luật có các quy định phù hợp với luật quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân, cụ thể:

-  Trách nhiệm của tổ chức vận hành

Tổ chức vận hành cơ sở hạt nhân phải có trách nhiệm hoàn toàn đối với thiệt hại hạt nhân gây ra bởi sự  cố  hạt nhân. Trách nhiệm của tổ  chức vận hành là tuyệt đối, cả  khi không có lỗi đối với thiệt hại hạt nhân phát sinh từ  sự  cố hạt nhân xảy ra tại cơ sở  hạt nhân của tổ  chức vận hành hoặc sự cố hạt nhân xảy ra có nguồn gốc phát sinh từ cơ sở hạt nhân đó; ngoài tổ chức vận hành, không có cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm đối với việc bồi thường thiệt hại hạt nhân.

- Bảo đảm tài chính

Tổ  chức vận  hành phải mua bảo hiểm hoặc có hình thức an ninh tài chính phù hợp để  đảm bảo kinh phí cho việc bồi thường thiệt hại hạt nhân khi xảy ra sự cố hạt nhân. Tổ  chức vận hành có thể  thực hiện trách nhiệm này thông qua việc ký kết hợp đồng với các công ty bảo hiểm, với Chính phủ  hoặc với các cơ quan, tổ  chức, hiệp hội trong và ngoài nước để có được mức an ninh tài chính theo quy định nhằm đảm bảo có đủ  nguồn kinh phí để  chi trả  cho việc bồi thường thiệt hại hạt nhân trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân.

- Định mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại hạt nhân

Trách nhiệm của tổ chức vận hành đối với thiệt hại hạt nhân cho mỗi sự  cố hạt nhân tối thiểu là 5 triệu SDR và tối đa là 300 triệu SDR; Chính phủ  phải đảm bảo chi trả cho mức bồi thường vượt quá giới hạn trách nhiệm của tổ chức vận hành đến mức bồi thường thực tế nếu mức bồi thường thực tế dưới 300 triệu SDR và đến 300 triệu SDR nếu mức bồi thường thực tế  vượt quá 300 triệu SDR hoặc đến mức bồi thường thực tế.

Bên cạnh những quy định trên, Sổ tay Luật Hạt nhân cũng có các quy định khác về bồi thường thiệt hại hạt nhân như các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm bồi thường; Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại hạt nhân; tòa án thẩm quyền…

Khả năng tham gia của Việt Nam

Từ  năm 2009, trong báo cáo kết quả  dịch vụ đánh giá pháp quy  tích  hợp gửi Chính  phủ Việt  Nam, IAEA đã  khuyến cáo Việt Nam nên xem xét tham gia Công ước quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân. Tháng 9/2013, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi trở thành thành viên chính thức của IAEA, Việt Nam được đề cử giữ vai trò chủ tịch Hội đồng thống đốc IAEA.

Việt Nam đã cam kết ủng hộ mạnh mẽ  việc thực hiện các công ước quốc tế  liên quan đến hạt nhân. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đủ các công ước quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Công ước quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân là một trong số  rất ít công ước, điều ước quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân Việt Nam chưa tham gia. Do vậy, Việt Nam cần xem xét khả năng sớm tham gia cơ chế quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành triển khai Đề án sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Việc sửa đổi các quy định về thường thiệt hại hạt nhân phù hợp với quy định quốc tế là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia thực hiện các quy định pháp luật quốc tế khi Việt Nam gia nhập công ước quốc tế về bồi  thường thiệt hại hạt nhân cũng như tạo sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.