Công tác truyền thông điện hạt nhân ở Pháp

Huy Hiếu

Xu hướng phát triển điện hạt nhân đang lan rộng không chỉ ở những “vùng đất mới”, mà cả ở những cường quốc hạt nhân kỳ cựu như nước Pháp. Điện hạt nhân vẫn chiếm 3/4 tổng điện năng quốc gia của Pháp. Do đó, công tác truyền thông điện hạt nhân rất được Pháp chú trọng.

Pháp vẫn tiếp tục xây dựng một thế hệ mới các lò phản ứng hạt nhân để thay thế các nhà máy sắp hết tuổi sử dụng. Nguồn: Internet
Pháp vẫn tiếp tục xây dựng một thế hệ mới các lò phản ứng hạt nhân để thay thế các nhà máy sắp hết tuổi sử dụng. Nguồn: Internet

Điện hạt nhân chiếm 3/4 tổng điện năng quốc gia Pháp

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Pháp được đưa vào hoạt động từ năm 1962. Hơn 50 năm hình thành và phát triển, đến nay Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đang quản lý khoảng 60 nhà máy điện hạt nhân trên toàn nước Pháp.

Theo thống kê của Ủy ban chiến lược hạt nhân Pháp (CSFN), Pháp hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp với khoảng 220.000 nhân viên đang hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm tất cả các phân đoạn, từ sản xuất nhiên liệu đến việc quản lý chất thải, quy trình quản lý công nghệ lò phản ứng hạt nhân, kỹ thuật xây dựng trong ngành hạt nhân, bảo vệ bức xạ, các hoạt động tái chế…

Sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản – tháng 3/2011), cũng như tại nhiều quốc gia khác, Chính phủ Pháp đã xem xét lại kế hoạch phát triển dài hạn ngành năng lượng. Tuy nhiên, ngày 13/1/2015, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Pháp Segolene Royal, đã tuyên bố công khai với báo giới rằng, quốc gia này chủ trương vẫn tiếp tục xây dựng một thế hệ mới các lò phản ứng hạt nhân để thay thế các nhà máy sắp hết tuổi sử dụng.

Lời tuyên bố này thể hiện đường lối mới của chính phủ Pháp, một quốc gia có tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 3/4 tổng điện năng quốc gia; đang đứng ở vị trí thứ nhất của thế giới. Đây cũng được xem là tín hiệu chính thức, khẳng định quốc gia này vẫn tiếp tục xem ngành điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong toàn nền điện năng quốc gia.

Công tác truyền thông điện hạt nhân ở Pháp

Công tác truyền thông điện hạt nhân ở Pháp được thực hiện trên các lĩnh vực: Truyền thông cho các dự án điện hạt nhân, truyền thông ở địa phương và nhà máy và truyền thông trong trường hợp có tai nạn hoặc sự cố hạt nhân.

Ủy ban Năng lượng nguyên tử và các năng lượng thay thế (CEA) được thành lập tháng 10/1945, chịu trách nhiệm chính về hình ảnh công nghiệp hạt nhân của Pháp, vì vậy CEA coi công tác phổ biến kiến thức hạt nhân là một trong những nhiệm vụ then chốt. CEA có các hoạt động cơ bản là: Phổ biến kiến thức hạt nhân ở trường học với các công cụ giảng dạy phù hợp cho từng cấp; Xuất bản các ấn phẩm; Hỗ trợ công tác đào tạo giáo viên; Tiến hành thông tin công chúng ở cấp quốc gia và cấp vùng...

CEA xây dựng Trung tâm thông tin năng lượng (visitatome) nhằm giúp công chúng khám phá các thách thức liên quan đến việc quản lý chất thải phóng xạ; cung cấp các hoạt động giảng dạy và khơi dậy sự say mê, ham thích khoa học; giới thiệu các lĩnh vực nghiên cứu của CEA. CEA cũng tổ chức cho khách tham quan Trung tâm dưới nhiều hình thức khác nhau (từ khám phá, tham quan có hướng dẫn, tham quan ảo, tham quan theo gia đình…)

Nước Pháp có Cơ quan An toàn hạt nhân (ASN) được giao nhiệm vụ thay mặt Nhà nước, điều chỉnh việc thực hiện các quy định về an toàn hạt nhân và bảo vệ bức xạ để bảo vệ người lao động, bệnh nhân, cộng đồng và môi trường. Nhưng bên cạnh đó, ASN còn góp phần cung cấp thông tin cho người dân về các vấn đề liên quan đến an toàn bức xạ, hạt nhân. Trên trang web của mình, ASN luôn giới thiệu nhiều tài liệu để không chỉ các nhà quản lý, chuyên môn mà cả công chúng nói chung có thể tham khảo và sử dụng.

Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) là chủ sở hữu, vận hành các nhà máy điện, kể cả các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp. EDF luôn coi trọng công tác truyền thông để tăng cường sự chấp nhận của công chúng. Các hoạt động trong truyền thông điện hạt nhân của EDF là: Tổ chức tranh luận trong công chúng; Điều tra, tham khảo ý kiến công chúng; Tổ chức các chiến dịch quảng cáo; Tạo dựng mối quan hệ với báo chí; Tổ chức tham quan các nhà máy điện hạt nhân và các trung tâm thông tin; các hoạt động bảo trợ đối với dân chúng địa phương ở nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân; xuất bản các ấn phẩm thông tin; tham gia các triển lãm quốc gia và quốc tế…

Khi xảy ra các sự cố và tai nạn hạt nhân, nguồn thông tin được người dân Pháp tham vấn đầu tiên là từ Viện Bảo vệ Bức xạ Hạt nhân (IRSN). Đây là cơ quan đầu mối trong việc cung cấp thông tin một cách toàn diện về an toàn bức xạ tới công chúng, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, môi trường, kinh tế.

Cũng giống như các bộ phận truyền thông của các đơn vị, tổ chức khác ở Pháp, bộ phận truyền thông của IRSN rất tinh gọn, với số lượng cán bộ nhân viên khoảng dưới 10 người. Tuy nhiên, qua thực tế công việc, hiệu quả của đội ngũ này là rất cao. Công tác truyền thông của IRSN đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin và đảm bảo duy trì lòng tin của công chúng.