Công tác tuyên truyền: Mấu chốt để phát triển điện hạt nhân hiệu quả

PV.

“Một trong những thách thức lớn nhất của việc phát triển điện hạt nhânthành công chính là sự "thiếu hụt nhận thức" và sự ủng hộ của công chúng. Do vậy, công tác tuyên truyền phát triển điện hạt nhân Tại Việt Nam cần được đẩy mạnh” - Giới chuyên gia trong và ngoài nước tiếp tục đề cập tới vấn đề này một lần nữa tại Hội thảo thông tin – truyền thông về diện hạt nhân vừa diễn ra tại Ninh Thuận.

Theo các chuyên gia, với một quốc gia mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân thì công tác tuyên truyền phải đi trước một bước và cần được duy trì thường xuyên, đều đặn, có như vậy mới có thể nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân đối với mọi quyết sách mà Đảng và Nhà nước đưa ra trong vấn đề về phát triển điện hạt nhân.

Kết quả khảo sát mới đây của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho thấy, có tới 90% công chúng nước Mỹ có xu hướng ủng hộ đa dạng hóa năng lượng và chỉ 63% ủng hộ sử dụng năng lượng hạt nhân. Là quốc gia số 1 thế giới về sản lượng điện hạt nhânmỗi năm nhưng cũng chỉ có 25% người dân nước Mỹ tin vào mức độ an toàn của năng lượng hạt nhân tới môi trường. Điều này chứng tỏ, cộng đồng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về năng lượng hạt nhân và không mặn mà ủng hộ kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Chính phủ Mỹ.

Từ thực tế trên, các chuyên gia IAEA khuyến cáo, công tác tuyên truyền 19 vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (bao gồm: an toàn hạt nhân; quản lý; vốn và tài chính; hệ thống pháp lý; thanh sát; khuôn khổ pháp quy; an toàn bức xạ; lưới điện; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; ứng phó sự cố; an ninh; chất thải phóng xạ; chu trình nhiên liệu; sự tham gia của các ngành công nghiệp; mua sắm…) phải được thường xuyên, liên tục trong thời gian chuẩn bị xây dựng, xây dựng, vận hành và kể cả khi dừng vận hành Nhà máy điện hạt nhân. Kinh nghiệm quốc tế cũng đã chỉ ra rằng, sự ủng hộ tại nơi đặt nhà máy điện hạt nhân đóng vai trò then chốt trong sự thành công của dự án.

Và phương pháp thông tin tuyên truyền được các quốc gia phát triển thành công điện hạt nhânthường xuyên áp dụng, đó là xác định 3 trụ cột chính: Tổ chức chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện; địa phương có nhà máy điện hạt nhân và xã hội.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, nếu muốn phát triển điện hạt nhân hiệu quả và bền vững, thì công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân cũng phải được thực hiện một cách bài bản, đi trước một bước và được duy trì thường xuyên, lâu dài, có như vậy mới có thể tạo ra nhận thức đúng đắn và nhận sự đồng thuận và ủng hộ của công chúng. Việc làm này cần được tiến hành đồng bộ, phù hợp với tiến độ của tiến trình xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Nội dung truyên truyền cũng cần phải chú trọng nhấn mạnh về lợi ích và hiệu quả của điện hạt nhân đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, để giúp người dân nhận định được nhu cầu bức thiết và tính ưu việt của nguồn năng lượng điện hạt nhân.

Nhận thức được vai trò quan trọng của hoạt động này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 và giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện Đề án này một cách tích cực, hiệu quả.

“Đến nay, mặc dù một bộ phận người dân Ninh Thuận đã đồng tình với dự án điện hạt nhân nhưng các hoạt động tuyên truyền về vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, còn rời rạc, chưa đồng bộ, chưa mang tính đại chúng và có sức lan tỏa rộng”, cho biết điều này ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận nhìn nhận: Nguyên nhân chủ yếu là do tiến độ xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận có sự điều chỉnh và hiện tại vẫn chưa xác định được thời điểm khởi công xây dựng, nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân tại vùng dự án và gây khó khăn nhất định đến công tác thông tin tuyên truyền cho người dân.

Nhằm góp phần định hướng đúng đắn dư luận xã hội, tạo dựng và củng cố lòng tin của công chúng đối với dự án phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới, ông Lê Kim Hùng kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm xác định mốc thời gian xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận cụ thể, làm cơ sở cho Ninh Thuận định hướng tuyên truyền và triển khai đồng bộ xây dựng: Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; Hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường và Năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Đặc biệt là, sớm có kế hoạch xây dựng một Trung tâm quan hệ công chúng về điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận để tổ chức thực hiện chuyên trách về thông tin, tuyên truyền cho mọi tầng lớp dân cư, các thành phần xã hội của Tỉnh Ninh Thuận trước, trong và sau khi triển khai thực hiện Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.