Để các kỹ sư hạt nhân vững bước trong tương lai

PV.

(Tài chính) Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử đã tổ chức buổi gặp gỡ chia sẻ giữa sinh viên học chuyên ngành hạt nhân của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đại học Khoa Học Tự Nhiên và đại học Điện lực với ông Chris Allison — Giám đốc quản lý công ty phần mềm Innovative Systems Software (ISS), Hoa Kỳ. Tại đây, Ông Chris Allison đã cởi mở chia sẻ với các bạn sinh viên về học vấn cũng như kinh nghiệm trong công việc và trong nghiên cứu của mình.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành những bước đệm quan trọng cho việc phát triển công nghiệp năng lượng hạt nhân, việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này đang được nhà nước chú trọng đẩy mạnh. Theo quyết định của nhà nước, hiện tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học khoa học tự nhiên và Đại học Đà lạt là 3 cơ sở đào tạo nhân lực chính cho chương trình hạt nhân cuả nhà nước. Việc cung cấp các thông tin cập nhật về công cuộc chuẩn bị xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại nước ta là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện tại có rất nhiều lứa kỹ sư hạt nhân của các trường kỹ thuật lớn trên cả nước như Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Điện lực…..đã tốt nghiệp và vẫn còn rất nhiều khóa sinh viên đang được đào tạo trong để trở thành kỹ sư hạt nhân trong tương lai. Tuy nhiên, có một câu hỏi chung và phổ biến nhất đặt ra đối với mỗi sinh viên, kỹ sư hạt nhân mới tốt nghiệp là “cơ hội việc làm trong chuyên ngành hạt nhân khi mà các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và Ninh Thuận II chưa được hoàn thành”.

Giải đáp những thắc mắc của hầu hết các bạn học sinh sinh viên có mặt tại buổi giao lưu, ông Chris Allison cho rằng: Để có thể ứng tuyển vào một công ty lớn mang tính toàn cầu trong lĩnh vực hạt nhân, trước hết các bạn phải có kiến thức nền và đặc biệt là kiến thức về thủy nhiệt, truyền nhiệt và về dòng chảy. Và có một điều cơ bản mà bất cứ công ty toàn cầu nào đều đòi hỏi đó là ngoại ngữ của bạn. Hơn thế nữa nếu như các bạn có những điều trên cộng thêm việc am hiểu các phần mềm ứng dụng trong hạt nhân như RELAPS thì dù bạn đến từ Việt Nam, từ Trung Quốc, Ucraina hay bất cứ quốc gia nào đi nữa việc ứng tuyển vào một công ty lớn là hoàn toàn có thể.

Tại buổi gặp gỡ, ông Chris Allison còn giới thiệu đến các bạn sinh viên phần mềm RELAPS một phần mềm hữu ích đối với công việc học tập cũng như việc nghiên cứu, vận hành trong các nhà máy điện hạt nhân. Liên quan tới phần mềm RELAPS Giám đốc quản lý Chris Allison bày tỏ thiện chí hợp tác với Việt Nam nói chung, Đại học Bách Khoa Hà Nội nói riêng trong việc triển khai đào tạo chuyên sâu về cài đặt, sử dụng phần mềm tại Việt Nam. Thông qua chia sẻ, ông cũng mong muốn phía Viện Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường có thể cử cán bộ giảng viên sang đào tạo ở Hoa Kỳ trước khi triển khai phần mềm RELAPS rộng rãi đến đông đảo các bạn sinh viên, kĩ sư hạt nhân.

Với niềm tin mang đến cho các bạn sinh viên những định hướng cơ bản khi chọn nghề trong lĩnh vực hạt nhân, Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử hy vọng thông qua buổi nói chuyện ngày hôm nay, các kỹ sư hạt nhân tương lai sẽ vững bước hơn trên con đường mình đã chọn.