Đối tác hàng đầu giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân

Hải An

Nga luôn là nước đi đầu trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân. Việc Nga đồng ý hỗ trợ Việt Nam về vốn, kỹ thuật, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ vận hành nhà máy, là những yếu tố hết sức quan trọng quyết định sự thành công của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nga đang khẳng định vị trí đi đầu trong phát triển công nghệ hạt nhân bằng những thành tựu thực tế của mình. Viện nghiên cứu lò phản ứng nguyên tử (NIIAR) ở Dimitrovgrad đang xây dựng lò phản ứng đa năng thế hệ mới, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020. Giám đốc Viện NIIAR, ông Alexander Tuzov, cho biết, đây sẽ là lò phản ứng mạnh nhất trong số các lò phản ứng nhanh thử nghiệm đang hoạt động và được thiết kế trên thế giới.

Nước Nga hiện rất tích cực trong việc chuyển giao công nghệ và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới cho một số quốc gia gần và xa. Việt Nam và Nga đã ký các hiệp định hợp tác về năng lượng nguyên tử như: Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng vì mục đích hòa bình (2002); Hiệp định hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam (2010).

Trong khuôn khổ của Hiệp định này, hai bên đã ký Hiệp định tài chính, trong đó Liên bang Nga cung cấp cho Việt Nam khoản vay tín dụng ưu đãi khoảng 10 tỷ USD cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và các công tác chuẩn bị liên quan.

Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký với Tập đoàn Nhà nước về năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (Rosatom) Bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Ngày 2/6/2015, Tập đoàn Rosatom và Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng đã tổ chức Lễ ký kết Văn bản hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020.

Văn bản hợp tác quy định về sự hỗ trợ toàn diện dành cho Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nhân lực với mục đích phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, đặc biệt là đào tạo nhân lực về quản lý, kỹ thuật cho Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đồng thời đào tạo nhân lực phục vụ vận hành Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, dự kiến sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2015 - 2020.

Về thông tin tuyên truyền, Liên bang Nga đã tài trợ cho Việt Nam xây dựng Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tháng 4/2012, Trung tâm đã được đưa vào hoạt động.

Ngày 3/2/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Rosatom, Liên bang Nga ký bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thông tin đối với các dự án chung trong ngành công nghiệp điện hạt nhân.Theo đó, hai bên sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về công nghiệp hạt nhân và công nghệ bức xạ; tổ chức các chuyến thăm và làm việc từ hai phía, đồng thời cử đại diện tham gia hoạt động truyền thông của mỗi bên; hợp tác xuất bản tài liệu phù hợp về công nghiệp điện hạt nhân, như ra báo hoặc chương trình truyền hình về điện hạt nhân; tổ chức đào tạo cho đại diện các cơ quan thông tấn báo chí… Các hoạt động truyền thông về công nghiệp hạt nhân tại Việt Nam sẽ do Bộ Khoa học và Công Nghệ và Rosatom lập kế hoạch và xúc tiến.

Tiếp đó, ngày 30/7/2015, Công ty Liên hợp ASE — NIAEP trực thuộc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết thỏa thuận khung cho việc thực hiện giai đoạn đầu xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Thỏa thuận này quy định về việc xây dựng 2 tổ máy của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, với công suất của mỗi tổ máy đạt 1,200 MW.

Lễ ký kết là cột mốc quan trọng trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Tổng giám đốc ASE-NIAEP, ông Valery Limarenko cho biết: “Chúng tôi và các đối tác Việt Nam tin tưởng rằng Dự án điện hạt nhân với Nga đang trong quá trình phát triển sẽ là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất ở Việt Nam, và sẽ đáp ứng được các quy định về an toàn cũng như tiêu chuẩn chất lượng quốc tế”.