“Giải cơn khát” nhân lực cho chiến lược phát triển điện hạt nhân

PV.

Chính phủ vừa chính thức phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân. Theo kế hoạch, dự kiến sẽ có hàng nghìn kỹ sư, cán bộ quản lý phát triển điện hạt nhân được cử đi đào tạo trong và ngoài nước với thời gian lên tới 12 tháng.

Đến năm 2020, sẽ cần tới 2.400 nhân sự

Theo tính toán của Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đến năm 2022, số lượng nhân sự cần thiết cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là 2.400 người, trung bình mỗi nhà máy là 1.100 người. Trong đó, yêu cầu về trình độ đại học là 884 người, cao đẳng nghề là 922 người, lao động phổ thông là 394 người. Số nhân lực trên được phân theo các ngành: Điện hạt nhân là 420 người, an toàn hạt nhân và kỹ thuật hóa là 140 người, còn lại 320 người cho các ngành nghề khác.

Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng cho biết, nhân lực cần cho nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW là khoảng 1.000 người có trình độ đại học, cao đẳng. Như vậy, với tốc độ đào tạo hiện nay tại các trường trong nước (trong đó có Trường Đại học Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) mỗi năm chỉ có hơn 150 sinh viên tốt nghiệp, thì trước mắt, ngành điện hạt nhân sẽ thiếu nhân lực trầm trọng.

Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho thực hiện chiến lược phát triển điện hạt nhân, trước mắt là bổ sung nhân sự cần thiết cho hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ chiến lược phát triển điện hạt nhân.

Theo đó, đối với nhân lực quản lý nhà nước, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng này bao gồm: Các nội dung về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế; thẩm định, đánh giá an toàn; cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành; thanh tra an toàn, quản lý chất lượng, quản lý môi trường và thanh sát hạt nhân; công nghệ, an toàn lò phản ứng, nhà máy điện hạt nhân và các lĩnh vực kỹ thuật liên quan; các nội dung quản lý và kỹ thuật cần thiết về thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành, quản lý chất thải phóng xạ nhà máy điện hạt nhân.

Đối với nhân lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, nội dung đào tạo, bồi dưỡng bao gồm: Khoa học và công nghệ hạt nhân, các lĩnh vực kỹ thuật về thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân; an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

Về hình thức và quy mô đào tạo, sẽ tổ chức bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn (dưới 3 tháng) và dài hạn (4 - 12 tháng) ở trong và ngoài nước ở các trình độ cơ sở, nâng cao và chuyên sâu cho nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật.

Cụ thể, đối với nhân lực quản lý nhà nước, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ cơ sở và nâng cao cho 900 lượt người theo hình thức ngắn hạn và dài hạn ở trong nước; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ nâng cao cho 200 lượt người theo hình thức ngắn hạn ở nước ngoài; tổ chức bồi dưỡng, thực tập chuyên sâu dài hạn ở nước ngoài cho 40 lượt người.

Đối với nhân lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ cơ sở và nâng cao cho 1.700 lượt người theo hình thức ngắn hạn ở trong nước; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ cơ sở về kỹ thuật hạt nhân và các kỹ thuật liên quan cho 450 lượt người theo hình thức dài hạn ở trong nước; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ nâng cao cho 370 lượt người theo hình thức ngắn hạn ở nước ngoài; tổ chức bồi dưỡng, thực tập chuyên sâu dài hạn ở nước ngoài cho 60 lượt người.

Thu hút sự quan tâm của xã hội đối với ngành Điện hạt nhân

Chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia là một nhiệm vụ rất khó khăn phức tạp đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực có trình độ cao, các cơ sở hạ tầng đầy đủ, nguồn đầu tư lớn và sự cố gắng của toàn quốc gia. Khảo sát cho thấy, hiện nay cả nước có sáu đơn vị được Chính phủ giao đào tạo nhân lực cho ngành năng lượng nguyên tử, cụ thể gồm: Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ chí Minh, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, tổng chỉ tiêu hằng năm 350 sinh viên. Hầu hết các cơ sở trên đều đã thực hiện chế độ ưu tiên tuyển dụng sinh viên tỉnh Ninh Thuận có mong muốn làm việc lâu dài cho hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, lao động trong ngành điện hạt nhân có sự rủi ro cao nên không dễ thu hút người theo học. Theo thống kê của ngành Giáo dục và đào tạo thì những năm gần đây, phần lớn sinh viên theo học chuyên ngành điện hạt nhân tại các cơ sở đào tạo đều xét tuyển qua nguyện vọng 2. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của xã hội đối với ngành điện hạt nhân là chưa nhiều, đầu tư cho phát triển ngành này là chưa tương xứng.

Để giải quyết vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – đơn vị được Nhà nước giao làm chủ đầu tư giúp Nhà nước tổ chức và thực hiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, cần có các giải pháp hữu hiệu để các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Mặt khác, cần đổi mới công tác quảng bá, tuyên truyền nghề nghiệp và có chính sách thu hút tài năng, nhân lực phục vụ trong ngành Điện lực Việt Nam… Đặc biệt, phải thay đổi nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp quản lý và của toàn xã hội đối với nguồn nhân lực ngành Điện lực Việt Nam nói chung và lĩnh vực điện hạt nhân nói riêng.

Việc thành lập Trung tâm đào tạo kỹ sư công nghệ Điện hạt nhân cũng là việc làm cần thiết. Ước tính đến năm 2020 có hơn 2.000 sinh viên được đào tạo chuyên ngành năng lượng nguyên tử, nhưng cũng chỉ đáp ứng 1/2 nhu cầu của ngành. Một trong những nguyên nhân chính là đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Điện lực Việt Nam vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Mặt khác, các tài liệu, chương trình giáo dục và đào tạo ở các trường về hạt nhân chưa phù hợp và chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo về công nghệ và an toàn điện hạt nhân.

Song song với các chủ trương, giải pháp nêu trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc sử dụng chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm chất lượng và an toàn trong xây dựng, sản xuất điện hạt nhân. Theo đó, cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, người lao động theo từng công việc: nguồn nhân lực để xây dựng nhà máy, nguồn chuyên gia nghiên cứu triển khai và xử lý kỹ thuật, quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, nhân lực cho giáo dục và đào tạo lĩnh vực điện hạt nhân…

Tóm lại, điện hạt nhân thuộc lĩnh vực an toàn, an ninh quốc gia, vì vậy, cần coi trọng giáo dục phẩm chất, thái độ, kỷ luật, ý thức, bản lĩnh chính trị cho người lao động. Hơn nữa, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, tác phong công nghiệp, tinh thần hợp tác, khả năng thích nghi của mỗi cá nhân ảnh hưởng lớn đến chất lượng và năng suất lao động của đơn vị và của quốc gia nên bên cạnh việc xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc thợ đáp ứng cơ bản yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cần đặt rõ tiêu chí cụ thể về mặt phẩm chất cho người lao động lĩnh vực này nói riêng, các lĩnh vực liên quan đến an toàn, an ninh quốc gia nói chung.