Indonesia: Xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải được cân nhắc kỹ lưỡng

Linh Anh (Theo Antaranews)

Hãng thông tấn Antaranews của Indonesia đã dẫn lời ông Mohamad Nasir - Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục cấp cao Indonesia cho biết, Indonesia cần xây dựng nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu điện năng lên tới 60.000 megawatt vào năm 2025. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước này phải được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng.

Nga sẽ giúp Indonesia phát triển nhà máy điện hạt nhân.
Nga sẽ giúp Indonesia phát triển nhà máy điện hạt nhân.


Theo Bộ trưởng Mohamad Nasir, hiện nay trên thế giới xu hướng sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ để làm ra năng lượng đã chuyển hướng sang các loại năng lượng mới và năng lượng tái tạo, trong đó có điện hạt nhân.

Điển hình như Pháp – quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển điện hạt nhân, đã sản xuất và sử dụng điện hạt nhân như một nguồn năng lượng chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nước này, thậm chí còn xuất khẩu điện ra nước ngoài.

Hay như ở Đức, mặc dù đã có quyết định ngừng phát triển chương trình điện hạt nhân và bắt đầu đóng cửa 8 trong số 17 nhà máy điện hạt nhân sau sự cố Fukushima Daiichi vào năm 2011, nhưng vẫn sử dụng nguồn điện nhập khẩu từ các nhà máy điện hạt nhân của Pháp.

Theo ông Mohamad Nasir, ở khu vực Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đang tiến hành xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân. Đáng chú ý, các nhà máy điện hạt nhân này sẽ được hoàn thành từ năm 2017 đến năm 2020.

Một quốc gia khác ở Trung Đông là Saudi Arabia cũng quyết định đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ sử dụng điện hạt nhân thay vì dầu mỏ. Trong thời gian qua, ngân sách nước này cũng bị ảnh hưởng ít nhiều vì sự lên xuống của giá dầu.

Ở khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng Mohamad Nasir cho biết, Malaysia đã xác nhận việc phát triển một lò phản ứng hạt nhân. “Nếu Indonesia không xây dựng một nhà máy điện hạt nhân vào năm 2018-2019 thì sẽ phải chứng kiến Malaysia xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Serawak”, ông nói với Antaranews.

Ông cũng thừa nhận rằng, nếu lo ngại về vấn đề an ninh và an toàn hạt nhân và coi đó như nguyên nhân không thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Indonesia thì rất có thể sẽ khiến nước này chậm chân. Malaysia có thể xây nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Indonesia.

“Dù giá thành điện năng từ các nhà máy điện hạt nhân rất rẻ, nhưng việc phát triển chương trình điện hạt nhân phải được tiến hành hết sức cẩn trọng và trong tầm kiểm soát, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”, Bộ trưởng Mohamad Nasir nhấn mạnh.